Phát hiện bộ hài cốt được bảo quản tốt chưa từng thấy, làm sáng tỏ nền văn hóa Pompeii cổ đại

  •  
  • 13.963

Các nhà khảo cổ học vừa phát hiện một bộ hài cốt được bảo quản trong tình trạng tốt tại khu chôn cất ở Pompeii (Italy).

Giới chức tại Pompeii ngày 17/8 cho biết các nhà khảo cổ đã tìm thấy hài cốt của một người đàn ông được cho là khoảng 60 tuổi trong ngôi mộ tồn tại vào những thập kỷ cuối cùng trước khi thành phố Pompeii bị tàn phá do núi lửa Vesuvius phun trào vào năm 79 Sau Công nguyên.

Theo Công viên khảo cổ Pompeii, đây là một trong những bộ hài cốt được bảo vệ tốt nhất từng được tìm thấy tại địa điểm này và cho thấy có dấu hiệu ướp xác với tóc và tai vẫn tồn tại trên hộp sọ.

Hài cốt được tìm thấy trong một ngôi mộ ở nghĩa địa Porta Sarno.
Hài cốt được tìm thấy trong một ngôi mộ ở nghĩa địa Porta Sarno. (Ảnh: theguardian.com)

Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy những mảnh vụn khả năng là sợi vải trong khu mộ và đang nghiên cứu xem liệu thi thể người đàn ông này có được ướp trước khi chôn cất hay không. Một số loại vải nhất định được dùng để ướp xác.

Ngoài ra, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy 2 bình hỏa táng trong khu mộ. Vào thời điểm đó, những người trưởng thành thường được hỏa táng tại thành phố này, do vậy cách chôn cất người này được xem là rất bất thường.

Nội dung khắc trên bia mộ cho thấy người được chôn cất tên là Marcus Venerius Secundio và đề cập đến các màn biểu diễn bằng tiếng Hy Lạp tại nhà hát ở Pompeii.

Đây là lần đầu tiên các nhà khảo cổ tìm được bằng chứng cho thấy các vở kịch đã được trình diễn tại đây bằng tiếng Hy Lạp cũng như tiếng Latinh. Giám đốc Công viên khảo cổ Pompeii, ông Gabriel Zuchtriegel cho biết các buổi biểu diễn bằng tiếng Hy Lạp được tổ chức là bằng chứng về nền văn hóa sống động và cởi mở, tạo nên đặc trưng của thành phố Pompeii cổ đại.

 Văn bia được tìm thấy trong lăng mộ của ông Marcus Venerius Secundio
Văn bia được tìm thấy trong lăng mộ của ông Marcus Venerius Secundio ở nghĩa trang Porta Sarno, Italy. (Ảnh: Guardian).

Theo tài liệu lưu trữ khác của thành phố, Marcus Venerius là tên của một nô lệ và người trông coi đền Venus. Tuy nhiên, sau đó Marcus Venerius được trả tự do và ngôi mộ hoành tráng của ông chứng tỏ người này đã đạt được vị thế kinh tế và xã hội nhất định trước khi qua đời.

Hiện khu vực chôn cất nói trên nằm ngoài ranh giới thành phố và không cho phép du khách ghé thăm. Giới chức tại Pompeii cho biết đang tìm cách thức mở cửa khu vực này cho công chúng.

Nằm cách thành phố Naples 23km về phía Đông Nam, thành phố Pompeii từng là nơi sinh sống của khoảng 13.000 dân trước khi núi lửa Vesuvius phun trào, chôn vùi toàn thành phố dưới lớp tro, bụi và đất đá. Tàn tích này bị lãng quên trong 1.700 năm cho đến khi được bất ngờ phát hiện vào năm 1748. Từ đó đến nay, việc khai quật Pompeii đã cung cấp một cái nhìn sâu rộng về cuộc sống của một thành thị thời cực thịnh của Đế quốc La Mã.

Ngày nay, di sản thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận này là một trong những điểm thu hút đông khách du lịch nhất tại Italy.

Cập nhật: 19/08/2021 Theo TTXVN/Báo Tin Tức
  • 13.963