Tốc độ phá rừng của Malaysia nhanh gấp ba lần tốc độ của tất cả các nước châu Á gộp lại và thậm chí các cánh rừng giàu than bùn dọc bờ biển của bang Sarawak, bang lớn nhất trên đảo Borneo còn bị xóa sổ nhanh hơn.
Đây là kết quả nghiên cứu do Công ty Bản đồ và Giám sát qua vệ tinh SarVision phối hợp với các nhà khoa học thuộc trường Đại học Wagenigen của Hà Lan tiến hành.
Tốc độ phá rừng của tất cả các nước châu Á trong 5 năm qua ở mức 2,8%, trong khi đó, cùng khoảng thời gian này, tại Malaysia đã có tới 353.000ha hay 1/3 rừng đầm lầy bị tàn phá, ước tính mỗi năm trung bình Malaysia phá khoảng 2% các khu rừng ở Sarawak, chủ yếu được chuyển sang trồng cọ để lấy dầu.
Theo nghiên cứu trên, tốc độ phá rừng hiện nay ở Sarawak nhanh gấp 3,5 lần so với cả châu Á, trong khi tốc độ tàn phá ở các khu rừng đầm lầy có nhiều than bùn là 11,7 lần.
Nếu xu hướng này không được ngăn chặn thì đến cuối thập kỷ này, Malaysia sẽ không còn một cánh rừng than bùn tự nhiên nào, nơi có nhiều loại động vật quý hiếm như voi, tê giác cũng như nhiều loại gỗ và cây cỏ quý hiếm khác sinh trưởng.
Hiện các công ty dầu cọ của Malaysia và Indonesia đang bị các bạn hàng lớn phương Tây gây sức ép buộc phải ngừng việc mở rộng trồng cọ thông qua phá rừng tự nhiên. Tuy nhiên, Ấn Độ và Trung Quốc vẫn là các bạn hàng hàng đầu của Malaysia nên phá rừng để trồng cọ vẫn diễn ra tại nước này.
Chính phủ Malaysia tuyên bố, chỉ có từ 8-13% diện tích trồng cọ trên đất rừng giàu than bùn nhưng theo con số của SarVision, 20% dầu cọ của Malaysia thu được từ những cánh rừng trồng trên đất than bùn sau khi rừng tự nhiên bị phá. Đối với Sarawak, con số này thậm chí còn lên tới 44%.
SarVision ước tính rằng, 510.000ha rừng tự nhiên ở Malaysia bị phá để trồng cọ đã làm thải ra 20 triệu tấn dioxide carbon mỗi năm, bởi 10% khí thải hiệu ứng nhà kính là do phá rừng và cháy rừng đầm lầy chứa nhiều than bùn gây ra.
Tổ chức này đã kêu gọi Malaysia phải ngừng ngay tình trạng phá rừng để trồng cọ, đồng thời kêu gọi chấm dứt việc khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học tại Liên minh châu Âu.