Sau thông tin về nghiên cứu một loại ngô biến đổi gene có thể khiến chuột ung thư, giới khoa học trên thế giới cho rằng, đó là kết quả có ít bằng chứng khoa học đáng tin.
>>> Dùng thực phẩm biến đổi gene dễ bị ung thư
Một nhóm khoa học người Pháp đứng đầu là nhà sinh học phân tử Gilles-Eric Seralini, Đại học Caen, ở Normandy chia 200 con chuột thành 10 nhóm, mỗi nhóm 20 con và cho chúng ăn thực đơn khác nhau là ngô NK603 (ngô biến đổi gene), ngô NK603 được phun thuốc diệt cỏ Roundup (sản phẩm của tập đoàn nông nghiệp Monsanto, Mỹ) trong quá trình trồng, nước có pha thuốc diệt cỏ Roundup và ngô không biến đổi gene (nhóm chứng).
Kết quả là, chuột nuôi bằng ngô biến đổi gene NK603 có đến 50-80% bị ung thư. Đây là lần đầu tiên một sản phẩm biến đổi gene chứng minh có ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe.
Thông tin trên sau khi được công bố đã gặp phải nhiều phản đối của nhà khoa học trên thế giới. Trang Discovery dẫn lời chuyên gia công nghệ sinh học Martina Newell-McGloughlin, Đại học California, Mỹ: “Có rất ít bằng chứng khoa học uy tín trong nghiên cứu".
Các nhà khoa học cho rằng, nghiên cứu ngô biến đổi
gene của nhóm nhà khoa học Normany chưa xác thực.
Theo giáo sư David Spiegelhalter, Đại học Cambridge, Anh, số lượng đưa ra nhóm kiểm chứng quá nhỏ, chỉ 10 con chuột đực và 10 chuột cái. "Tôi ngạc nhiên vì sao nghiên cứu đó được công bố. Tôi thấy phương pháp, số liệu thống kê và báo cáo kết quả đều dưới chuẩn mà tôi mong đợi trong một nghiên cứu khắt khe. Tôi có thể không chấp nhận những kết quả này, ngoại trừ nghiên cứu được làm lại một cách đúng đắn", ông David Spiegelhalter nói.
Trên BBC, giáo sư Anthony Trewavas, đại học Edinburgh chỉ ra rằng, thí nghiệm chỉ sử dụng 200 con chuột, số lượng mẫu chỉ có 10 con. Mẫu nghiên cứu còn quá ít để đưa ra kết luận chính xác. "Theo chuẩn nghiên cứu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) thì số lượng mẫu cần có trong thí nghiệm là 50 con mỗi nhóm".
"Hơn nữa, về nguyên tắc, trong bất kỳ trường hợp so sánh nào, số lượng mẫu đối chứng cũng phải bằng với số lượng mẫu thử nghiệm. Tỷ lệ so sánh như vậy là khập khiễng".
Giáo sư Maurice Moloney - Giám đốc viện nghiên cứu Rothamsted nói rằng không nên lựa chọn loài chuột để nghiên cứu. Theo ông, loài chuột trắng Sprague-Dawley có vòng đời 2 năm, thường xuyên bị xuất hiện các khối u dạng này khi ăn quá nhiều và không được kiểm soát. Trên thực tế, 86% chuột đực và 72% chuột cái loại này thường xuyên bị ung thư khi sống đến năm thứ 2.
Một số nhà khoa học trên thế giới đặt ra câu hỏi, nếu ngô biến đổi gene gây ung thư thì tại sao tỷ lệ ung thư ở Mỹ lại không cao hơn so với châu Âu trong khi người dân châu Âu ăn ít thực phẩm biến đổi gene hơn Mỹ.
Năm 2009, Ban chuyên gia về sinh vật biến đối gene thuộc Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu kết luận rằng ngô NK603 “an toàn như ngô thông thường”. Trước đây, tạp chí Thực phẩm và Hóa chất cũng đã xuất bản kết quả nghiên cứu khẳng định “không tồn tại ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe của chuột ăn ngô chuyển gene” với thời gian nghiên cứu ngắn hơn - 90 ngày. Đây là quãng thời gian nghiên cứu tiêu chuẩn trên loài chuột.
Tuy nhiên cuộc tranh cãi về nguy cơ thực vật biến đổi gene gây ảnh hưởng đến sức khỏe người vẫn tiếp diễn chưa đến hồi kết.