Các nhà khảo cổ học thám hiểm một tuyến đường quân sự cổ ở Sinai đã phát hiện 4 ngôi đền trong tàn tích 3.000 năm tuổi của một thành phố cổ. Các ngôi đền này có thể đã được sử dụng gây ấn tượng với các phái đoàn nước ngoài đến thăm Ai Cập.
Hình ảnh Ramses II (phải) và Thần đất Geb được trạm khắc trên bức tường của 1 trong số 4 ngôi đền mới được phát hiện. |
Đáng chú nhất trong số những phát hiện trên là một ngôi đền được xây bằng gạch và bùn có khuôn viên 70x80 m. Đây là ngôi đền lớn nhất kiểu này được tìm thấy tại Sinai. Nhà khảo cổ học hàng đầu của Ai Cập, ông Zahi Hawass, cho hay ngôi đền được củng cố bằng những bức tường bùn dầy 3m.
Những phát hiện trên được tìm thấy tại Qantara, cách kênh đào Suez khoảng 4km. Bốn ngôi đền là phát hiện mới nhất của các nhà khảo cổ đang khai quật các tàn tích của thành phố cổ nằm trên một tuyến đường quân sự tên gọi “Con đường của Horus”. Horus là thần chim, người tượng trưng cho các quyền lực vũ trụ mạnh nhất của người Ai Cập cổ đại.
Tuyến đường quân sự này từng nối Ai Cập với Palestine và gần với tuyến đường bộ Rafah ngày nay, biên giới giữa vùng đất Gaza của Palestine và Ai Cập.
Ngôi đền lớn nhất bao gồm 4 hành lang và những điêu khắc nhiều màu sắc tưởng nhớ vua Ramses I và II của Ai Cập. Sự hùng vĩ cũng như độ lớn của ngôi đền có thể được sử dụng để gây ấn tượng với giới quân sự và các phái đoàn nước ngoài đến thăm Ai Cập.
Nhà khảo cổ Mohammed Abdel-Maqsoud, trưởng nhóm khai quật, cho rằng ngôi đền bằng gạch lớn nhất có thể viết giúp lại lịch sử cũng như tầm quan trọng quân sự của Sinai đối với người Ai Cập cổ đại.
Trước đó, các nhà khảo cổ đã lần đầu tiên tìm thấy ngôi đền thời New Kingdom ở phía bắc Sinai. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngôi đền được xây dựng trên đỉnh một pháo đài của Vương triều thứ 18 (từ năm 1569-1315 trước Công nguyên).
Năm ngoái, một bộ sưu tập phù điêu của Vua Ramses II và Vua Seti I (năm 1314-1304 trước Công nguyên) đã được phát hiện cùng với các kho chứa đồ mà quân đội Ai Cập cổ đại đã sử dụng thời New Kingdom để lưu trữ lúa mì và vũ khí.