Những khám phá mới đây của các nhà khoa học có lẽ khiến ai cũng phải rợn gáy. Một bộ tộc chuyên ăn thịt người ở Papua New Guinea có khả năng kháng lại một số bệnh thần kinh nhờ ăn não người.
Bộ lạc ăn thịt người ở Papua New Guinea
Bộ tộc Fore ở miền đông Papua New Guinea tồn tại tách biệt và có rất ít liên lạc với thế giới bên ngoài. Họ có tục ăn thịt người, đàn ông ăn da, còn phụ nữ và trẻ em ăn não. Truyền thống man rợ này là nguyên nhân lây lan đại dịch kuru, một loại bệnh giống bệnh bò điên.
Hình minh họa một bộ tộc ở Papua New Guinea - Ảnh: AFP
Người mắc kuru sẽ trở nên điên loạn, tấn công và cắn xé những người xung quanh. Vào giai đoạn cuối của bệnh, nạn nhân sẽ mê man và tử vong. Vào những năm 1950, dân số của bộ tộc này khoảng 20.000 người. Dịch bệnh lên đến đỉnh điểm vào năm 1960, mỗi năm kuru giết chết khoảng 2% dân số Fore.
Tuy nhiên, các nhà khoa học đã phát hiện rằng cũng chính nhờ ăn não mà người Fore có sức đề kháng với một số loại bệnh thần kinh. Điều này có thể mở ra hy vọng điều trị hoặc ngăn ngừa các bệnh rối loạn não như chứng Alzheimer.
Protein prion dưới kính hiển vi - (Ảnh chụp màn hình Daily Mail)
Nghiên cứu do các nhà khoa học tại Đại học London (Anh) thực hiện. Họ phát hiện rằng ăn não người gây ra một đột biến gien khiến người Fore miễn dịch với kuru. Những người sống sót sau dịch bệnh đã sở hữu một dạng biến thể protein gọi là prion.
Đây là lần đầu tiên xuất hiện đột biến gien tự nhiên kháng bệnh kuru được phát hiện trên người, giáo sư John Collinge, người đứng đầu chương trình nghiên cứu, cho biết.
Tộc Fore là một ví dụ điển hình ở người cho thuyết tiến hóa của Darwin, chỉ cần một chút thay đổi trong gien đã có thể mang lại khả năng đề kháng chống lại căn bệnh chết người, giáo sư Collinge nói thêm.