navigation

Phát hiện đồ trang trí bằng xương người 8.000 năm tuổi từ người tiền sử

Một nghiên cứu mới đây đã đưa ra bằng chứng đầu tiên về việc sử dụng xương người trong sản xuất mặt dây chuyền từ những cộng đồng người săn bắn hái lượm ở Đông Bắc Âu.

Con người thời tiền sử đã dùng những đồ vật như móng vuốt, lông vũ, vỏ sò hay răng,... để trang trí trên quần áo hay đồ trang sức nhằm đánh dấu tư cách thành viên trong một nhóm hay nhằm đáp ứng một lý do tượng trưng nào đó trong các nghi lễ của cộng đồng.


 Tái hiện một trong những nơi chôn cất người tiền sử trên đảo Yuzhniy Oleniy Ostrov, ở Karelia, Nga. Người đàn ông từ ngôi mộ 69 đeo mặt dây chuyền làm bằng xương người trộn với răng nai sừng tấm (Ảnh: TOM BJÖRKLUND).

Những người tiền sử khi chết đã mang theo nhiều đồ trang trí. Chúng đã được tìm thấy trong các ngôi mộ và các nhà khoa học đã phát hiện ra những mặt dây chuyền này được làm từ răng và xương của động vật bao gồm cả động vật có vú, chim, cá hay động vật thân mềm.

Đặc biệt, một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Khoa học Khảo cổ học vừa chỉ ra rằng, xương người cũng được sử dụng làm nguyên liệu để chế tác những món trang sức trên.

Các chuyên gia trong nhóm nghiên cứu đã phân tích những mặt dây chuyền 8.200 năm tuổi, được phát hiện cách đây 80 năm trên hòn đảo Yuzhniy Olenliy Ostrov (Nga) được làm bằng xương người, không phải từ xương động vật.

Hòn đảo này nằm trên Hồ Onega, phía Tây Bắc nước Nga, đây được mệnh danh là nghĩa địa thời kỳ đồ đá cũ do nhà khảo cổ học người Nga JF Ravdonikas nghiên cứu từ năm 1936 đến năm 1938, đã thu được một số lượng lớn đồ trang trí trong quá trình khai quật 177 ngôi mộ.

Bên cạnh đó, một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2020 trên cùng địa điểm này đã tiết lộ, người tiền sử đã sử dụng răng của loài nai sừng tấm để tạo ra âm thanh cho các điệu múa hay nghi lễ.

Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người tiền sử đã biết chi tiết hóa sự hiện diện của mặt dây chuyền làm từ răng, đặc biệt là răng cửa của nai sừng tấm Á-Âu - hay còn gọi là nai sừng tấm (Alces alces), loài hải ly và răng nanh gấu nâu ( Ursus arctos). Và trong số các đồ vật được tạo ra, một số đồ vật được được lấy từ xương người.

Giáo sư Kristiina Mannermaa, tại Viện Khoa học (HELSUS) thuộc Đại học Helsinki (Phần Lan), cùng các đồng nghiệp nghiên cứu kỹ hơn nhằm xác định chính xác xương của các con vật này.

Để làm được điều này, những bộ xương đã được gửi đến Trung tâm nghiên cứu BioArch tại Đại học York, ở Anh, nhằm phân tích khảo cổ học bằng phương pháp khối phổ (hoặc ZooMS). Một kỹ thuật xác định loài từ peptit, hoặc axit amin, chiết xuất từ protein trong mẫu xương.


 Hai mặt dây chuyền bằng xương người được chạm khắc từ xương đùi từ địa điểm Yuzhniy Oleniy Ostrov, ở Karelia, Nga (Ảnh: Anna Malyutina).

Kết quả đã khiến nhóm nghiên cứu bất ngờ khi lượng lớn đồ trang trí bằng xương được tìm thấy trong 22 ngôi mộ là xương người.

Giáo sư Kristiina Mannermaa cho biết trong một thông cáo báo chí từ Đại học Helsinki: "Những kết quả này thật đáng ngạc nhiên, 12 trong số 37 mẫu xương được phân tích hóa ra từ xương người, đây là những mảnh xương dài đặc biệt. Điều này cho thấy rằng, con người tiền sử đã biết trộn lẫn những yếu tố của nguồn gốc con người với động vật".

Theo giáo sư Mannermaa: "Việc sử dụng xương người sớm nhất thường làm nguyên liệu thô để chế tác đồ trang trí có từ thời Aurignacian, cách đây 35.000 năm trước ở Pháp, cũng như khoảng 29.000 năm trước, ở Pavlov và Dolni Vestonice, Cộng hòa Séc".

Ví như, ở Scandinavia (Tiểu vùng ở Khu vực Bắc-Âu), răng người đục lỗ đã được tìm thấy tại Đan Mạch trong các ngôi mộ từ 6.000 năm trước Công nguyên hay như ở trung tâm Anatolia (Thổ Nhĩ Kỳ), hơn 7.000 năm trước.

Điều này chỉ còn tồn tại trong bối cảnh chúng được dùng đồ trang sức và đồ trang trí, vì việc sử dụng xương để làm công cụ, được biết đến từ thời Mousterian (Đồ đá cũ giữa) ở La Quina, Pháp (53.000- 33.000 năm trước), nơi các mảnh sọ được sử dụng làm công cụ để chỉnh sửa các vật dụng trong cộng đồng.

Kristiina Mannermaa giải thích: "Việc sử dụng xương người thường liên quan đến các trường hợp ăn thịt đồng loại, giống như những gì đã được tìm thấy trong hang Cough ở Vương quốc Anh (khoảng 12.700 năm trước Công nguyên), chúng tôi đã tìm cách xác định bất kỳ dấu vết cắt trên xương của đồ trang trí tại nghĩa địa Yuzhniy Olenliy Ostro".

Nhưng độ mòn của các vật thể đến mức không thể phân biệt được dấu hiệu chúng có là nạn nhân từ một trường hợp ăn thịt đồng loại hay không.

Giáo sư Kristiina Mannermaa cho biết thêm: "Thực tế là việc sử dụng xương người đã không được nhấn mạnh rõ ràng theo trong các nghiên cứu trước đây. Chúng tôi biết rằng sự mờ nhạt của các hình thức và ranh giới như vậy đã và vẫn là một phần trong tầm nhìn của thế giới các dân tộc bản địa".

Mặt khác, đồ trang trí bằng xương người cũng có thể được bảo quản như di tích của tổ tiên hoặc thành viên của gia đình, mà không quên rằng đôi khi họ cũng có thể là chiến lợi phẩm lấy từ kẻ thù đã giết.

Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Kone (Phần Lan) và Hội đồng Châu Âu (ERC). Đây là một dự án nhằm tìm ra mối liên hệ xã hội giữa con người và động vật bằng cách sử dụng vật liệu đốt được thu thập từ các ngôi mộ của cộng đồng người săn bắn hái lượm ở Đông Bắc Âu.

Cập nhật: 15/07/2022 Dân Trí