Khoảng 2.000 sợi vàng hình xoắn ốc, niên đại từ khoảng năm 700- 900 trước Công nguyên, được phát hiện ở Đan Mạch.
Đan Mạch phát hiện hàng nghìn cuộn vàng 3.000 năm tuổi
Live Science hôm qua đưa tin, hai chuyên gia của Bảo tàng Quốc gia Đan Mạch và Bảo tàng Vestsjaelland đã phát hiện ra chúng ở vùng Boeslunde, miền trung Đan Mạch.
Khoảng 2000 cuộn vàng được cho là đồ trang sức trên trang phục và mũ đội đầu của một vị chủ tế. (Ảnh: Live Science)
Các nhà khảo cổ học cho biết họ chưa từng thấy mẫu vật tương tự trước đây. Rất có thể, chúng là vật trang trí trên trang phục của một vị chủ tế. Những sợi dây này dài khoảng 3 cm, được làm từ vàng dát mỏng.
"Có thể những sợi xoắn ốc này được gắn vào những tua trên mũ hoặc lọng", ông Kaul nhận định, "cũng có thể chúng được dùng để kết tóc hoặc thêu trên trang phục". "Thực tế là chúng tôi không biết chắc, nhưng tôi tin rằng chúng được người chủ tế sử dụng trong trang phục lễ nghi hoặc mũ đội đầu".
Ban đầu, họ chỉ tìm thấy vài sợi dây vàng xoắn ốc, nhưng sau đó khai quật thêm 200-300 g mẫu vật. Nhiều sợi vàng được chôn cùng thành một búi lớn trong một chiếc hộp gỗ lót lông thú trong khi những gói nhỏ, chứa ba hay bốn hiện vật được phát hiện cách đó vài mét.
Các nhà nghiên cứu cho biết một chiếc hộp như thế này có thể là loại dùng để chứa mũ đội đầu bằng vàng ròng. Họ không ngạc nhiên khi tìm thấy những đồ vật bằng vàng từ thời đồ đồng quí giá như vậy tại Boeslunde, vì vùng này là nơi phát hiện ra nhiều vàng nhất khu vực Bắc Âu.
Có người trước đó tìm thấy 6 chiếc nhẫn thề lớn và nặng, được dùng trong lễ tuyên thệ và một số nghi lễ tôn nghiêm. Năm 1800, nông dân trong vùng còn tìm được 6 chiếc bình vàng nặng 1 kg, ở Borgbjerg Banke, cách nơi tìm thấy nhẫn khoảng 500 m.
"Con người thời đồ đồng đã chọn nơi này để hiến vàng lên thần linh, điều đó cho thấy khu vực này có vị trí đặc biệt đối với họ," chuyên gia Christensen nhận xét.
Kaul tin rằng Boeslunde đã từng là vùng đất linh thiêng, nơi người cổ đại thực hiện nghi thức tế lễ và dâng vàng lên thần thánh. Ông cho rằng cả cuộn vàng và nhẫn thề đều thuộc về một vị chủ tế. Có thể ông ta đeo nhẫn vào cổ tay và sợi vàng xoắn gắn trên trang phục và mũ, để chúng lấp lánh trong ánh Mặt Trời suốt buổi lễ.
Một cuộn vàng chưa được làm sạch. (Ảnh: Live Science)
Mặt Trời là một trong những biểu tượng thiêng liêng nhất thời đó. Vàng rất được coi trọng và đôi khi biểu hiện cho Mặt Trời. Nó có màu vàng lóng lánh, toả sáng như Mặt Trời và là thứ bất diệt, không thể phá hủy được.
"Đó là lý do người ta hiến tế sự giàu có của vị chủ tế cho Mặt Trời, hoặc muốn cất giấu sự giàu có của ông ta trong chiếc hộp gỗ," Kaul giải thích. Ông và các nhà khảo cổ khác tin rằng vùng Boeslunde còn ẩn chứa nhiều kho báu từ thời tiền sử và họ sẽ tiếp tục dùng máy dò kim loại khai quật trong thời gian tới.