Các nhà khoa học Trung Quốc phát hiện một loài côn trùng tiền sử từ hổ phách kỷ Phấn trắng cho thấy hành vi bắt chước kiến sớm nhất.
Mô phỏng hình thái của ấu trùng (A) và con trưởng thành (B) của sinh vật giả kiến trong nghiên cứu. (Ảnh: Yang Dinghua).
Trong một báo cáo vào tuần trước, nhóm nghiên cứu từ Viện Địa chất và Cổ sinh vật học Nam Kinh cho biết đã thu thập được hơn một chục mẫu vật côn trùng giả kiến từ nhiều quốc gia khác nhau như Trung Quốc, Mỹ, Đức, Slovakiacho và Myanmar, nổi bật trong đó là mẫu hổ phách kỷ Phấn trắng chứa hóa thạch vẫn còn ở dạng ấu trùng.
Nó dài từ 3 đến 5mm, có các phần phụ mỏng, rất giống với râu và chân của một họ kiến nguyên thủy đã tuyệt chủng vào giữa kỷ Phấn Trắng có tên khoa học là Alienopteridae.
So sánh hóa thạch côn trùng giả kiến (trái) với hóa thạch Alienopteridae. (Ảnh: CAS)
"Điều thú vị là sinh vật này đã thay đổi mục tiêu bắt chước khi nó lớn lên. Con trưởng thành mọc cánh nên không thể đóng vai trò như những con kiến không cánh nữa, thay vào đó, chúng bắt đầu bắt chước tò vò", trưởng nhóm nghiên cứu Wang Bo cho biết.
Với niên đại khoảng 100 triệu năm, đây là bằng chứng sớm nhất về hành vi giả kiến (myrmecomorphy) ở động vật, sớm hơn tới 50 triệu năm so với suy nghĩ của các nhà cổ sinh vật học trước đây.
Myrmecomorphy là hiện tượng các loài động vật bắt chước kiến về mặt hình thái và hành vi để đánh lừa kẻ thù hoặc con mồi. Ngành chân khớp là những sinh vật giả kiến phổ biến nhất. Một số trường hợp bắt chước giống đến mức từng khiến các nhà khoa học phân loại nhầm.
Chi tiết nghiên cứu đã được xuất bản trên tạp chí Earth-Science Reviews với sự hỗ trợ bởi Viện Hàn Lâm Khoa học Trung Quốc, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc và Quỹ Khoa học Tự nhiên Quốc gia Trung Quốc.