Phát hiện hóa thạch 30 triệu năm của mực ma cà rồng

  •  
  • 553

Phân tích mới của các nhà nghiên cứu quốc tế cho thấy mực ma cà rồng đã ẩn náu trong những góc tối đại dương từ hàng chục triệu năm trước.

Mực ma cà rồng hiện đại (Vampyroteuthis infernalis) có thể phát triển mạnh trong nước biển có nồng đồ oxy thấp, khác với nhiều loài mực cần sống ở môi trường nước nông dọc thềm lục địa. Tuy nhiên, rất ít hóa thạch của tổ tiên mực ma cà rồng còn tồn tại, vì vậy giới nghiên cứu không biết chắc động vật thân mềm sống ẩn dật này tiến hóa khả năng thích nghi với nồng độ oxy thấp từ khi nào.

Hóa thạch của mực ma cà rồng cổ đại.
Hóa thạch của mực ma cà rồng cổ đại. (Ảnh: Košťák, M., Schlögl, J., Fuchs, D. et al., Communications Biology).

Kết quả phân tích giúp lấp đầy khoảng trống hơn 100 triệu năm trong quá trình tiến hóa của mực ma cà rồng, hé lộ tổ tiên của chúng vốn đã sinh sống trong lòng biển sâu suốt thế Tiệm Tân, cách đây 23 - 34 triệu năm. Chúng có thể phát triển khả năng thích nghi với nước có nồng độ oxy thấp trong suốt kỷ Jura, theo đồng tác giả nghiên cứu Martin Košťák, nhà cổ sinh vật học ở Đại học Charles, Prague. "Cuộc sống tại nơi có nồng độ oxy ổn định ở mức thấp đem lại nhiều lợi thế tiến hóa, đó là ít động vật săn mồi và cạnh tranh", Košťák cho biết.

Košťák và đồng nghiệp phát hiện hóa thạch mực ma cà rồng trong bộ sưu tập của Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Hungary năm 2019 khi đang tìm kiếm hóa thạch tổ tiên của mực nang. Mẫu vật này được phát hiện năm 1942 bởi nhà cổ sinh vật học người Hungary Miklós Kretzoi. Kretzoi nhận dạng đó là một loài mực có niên đại khoảng 30 triệu năm và đặt tên là Necroteuthis hungarica. Năm 1956, trong cuộc cách mạng Hungary, bảo tàng bị đốt cháy và hóa thạch có thể đã bị phá hủy. Việc tái phát hiện mẫu vật đem tới bất ngờ lớn cho nhóm nghiên cứu.

Nhóm của Košťák nghiên cứu mẫu vật bằng kính hiển vi điện tử quét và tiến hành phân tích hóa địa chất. Họ kết luận nhận dạng ban đầu của Kretzoi là chính xác. Hóa thạch đến từ một con mực, không phải tổ tiên mực nang. Lớp vỏ bên trong của con vật hình thành từ xương sống trên cơ thể nó, dài khoảng 15 cm, chứng tỏ con mực phát triển tới 35 tính cả xúc tu. Kích thước đó hơi lớn hơn một chút so với mực ma cà rồng hiện đại vốn có tổng chiều dài cơ thể khoảng 28 cm.

Trầm tích bao quanh hóa thạch không có dấu vết động vật vi sinh thường gặp ở đáy biển, chứng tỏ con mực không sống ở vùng nước nông. Nhóm nghiên cứu phân tích độ biến động carbon ở trầm tích và nhận thấy mẫu vật nhiều khả năng đến từ môi trường ít oxy, đặc trưng ở đáy biển sâu. Bằng cách xem xét các lớp đá phía trên hóa thạch tại khu vực ngày nay thuộc Budapest, nhóm nghiên cứu có thể kết luận con mực khó có khả năng sống sót ở vùng biển nông. Trầm tích vùng biển nông chứa lượng lớn sinh vật phù du phát triển mạnh ở môi trường giàu dưỡng chất và độ mặn thấp mà mực ma cà rồng ngày nay không thể chịu được. Nghiên cứu mới công bố hôm 18/2 trên tạp chí Communications Biology cung cấp bằng chứng mực ma cà rồng có thể sống ở khu vực mà các loài mực khác không thể.

Cập nhật: 23/02/2021 Theo VnExpress
  • 553