Phát hiện hóa chất vĩnh cửu trong 99% nước uống đóng chai

Phân tích nước uống từ 15 quốc gia, các nhà nghiên cứu phát hiện sự hiện diện của hóa chất vĩnh cửu trong hơn 99% mẫu nước uống đóng chai từ châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và châu Đại Dương.

Các phân tử độc hại này có thể cực kỳ phổ biến trong cả nước máy và nước uống đóng chai ở nhiều nơi trên thế giới, theo trang IFLScience ngày 20-10.


Nước uống đóng chai ở nhiều nơi trên thế giới có chứa hóa chất vĩnh cửu PFAS - (Ảnh: Shutterstock).

Một phân tích mới đây về nước uống từ 15 quốc gia cho thấy sự hiện diện của axit perfluorooctanoic (PFOA) và perfluorooctane sulfonat (PFOS) trong hơn 99% mẫu nước đóng chai từ các khu vực nói trên.

PFOA và PFOS là những thí dụ điển hình cho hóa chất vĩnh cửu (PFAS) - các chất độc hại được sử dụng phổ biến trong ngành công nghiệp do các đặc tính của chúng. PFAS giúp vật liệu chống bám bẩn, chống dính và chống cháy nhưng không phân hủy trong tự nhiên, dẫn đến sự tích tụ PFAS trong môi trường, đặc biệt là các nguồn nước.

Nghiên cứu mới nhấn mạnh rằng PFAS cũng có trong nước máy, chỉ là với các mức độ khác nhau. Xét nghiệm tại các thành phố Birmingham (Anh) và Thâm Quyến (Trung Quốc) cho thấy nước máy tại Anh chứa ít PFAS hơn tại Trung Quốc, song không phải là không có.

Lọc hay đun sôi có thể loại bỏ từ 50-90% các hóa chất này.

"Chúng tôi cung cấp dữ liệu có giá trị về sự hiện diện của PFAS trong nước uống và các giải pháp thực tiễn để giảm sự phơi nhiễm của con người đối với nước uống. Đây là bước quan trọng nhằm đảm bảo an toàn nước uống cho các cộng đồng trên thế giới", giáo sư Stuart Harrad, đồng tác giả nghiên cứu và làm việc tại Đại học Birmingham, nói.

Nghiên cứu cũng cho thấy nước khoáng thiên nhiên chứa nồng độ PFAS cao hơn so với nước tinh khiết. Dù nồng độ thấp hơn mức khuyến cáo về sức khỏe, song dữ liệu cho thấy việc PFAS đã phân tán rộng trong môi trường.

Việc nâng cao nhận thức về sự hiện diện của PFAS trong cả nước máy lẫn nước đóng chai có thể giúp cung cấp thêm nhiều lựa chọn sáng suốt cho người tiêu dùng, khuyến khích họ sử dụng thêm các phương pháp lọc nước.

Phát hiện của nhóm cũng cho thấy các nguy cơ sức khỏe tiềm năng của PFAS trong nước uống có thể bị ảnh hưởng bởi lối sống và điều kiện kinh tế, nhấn mạnh sự cần thiết phải nghiên cứu hơn nữa để khám phá các yếu tố này từ góc độ kinh tế - xã hội.

Nhóm cho biết có nhiều phương pháp rẻ tiền để loại bỏ PFAS khỏi nước uống nếu chính phủ các nước quyết định hành động. Thậm chí sẽ tốt hơn nếu những thứ gây ô nhiễm không phát tán PFAS vào môi trường ngay từ đầu.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí ACS ES&T Water.

Cập nhật: 23/10/2024 Tuổi Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video