Các nhà khoa học phát hiện hóa thạch mới của loài khủng long (Psittacosaurus) sở hữu lớp da kết hợp lông vũ như chim và vảy cứng như bò sát.
Hóa thạch khủng long Psittacosaurus (hay "thằn lằn vẹt") đầu tiên được tìm thấy vào năm 1922, nhưng một phát hiện gần đây tiết lộ thông tin về phần da độc đáo của chúng. Loài khủng long này có niên đại từ kỷ Phấn trắng sớm (khoảng 135 đến 120 triệu năm trước) và sống cùng thời điểm khủng long bắt đầu tiến hóa thành chim.
Mẫu da hóa thạch của khủng long dưới tia UV. (Ảnh: Tiến sĩ Zixiao Yang).
Trước đây, các nhà khoa học cho rằng loài này chỉ mọc lông ở phần đuôi, nhưng nghiên cứu mới cho thấy lớp da trên toàn bộ cơ thể của Psittacosaurus có điểm khác biệt dựa trên việc vùng da đó có lông hay không. Phần da mềm và có lông của chúng trông tương tự da của loài chim ngày nay, trong khi các mảng trụi lông lại mọc vảy. Điều đó cho thấy việc giữ lại lớp vảy trong giai đoạn đầu quá trình tiến hóa mọc lông có thể giúp khủng long tối ưu chức năng của da.
Do lớp da hóa thạch không thể quan sát bằng mắt thường, nhóm nghiên cứu đã sử dụng tia UV để xác định các mảng da trên trên mẫu hóa thạch Psittacosaurus, sau đó dùng tia X-ray và hồng ngoại để nhìn rõ hơn. Cuối cùng, họ phát hiện ra những chi tiết về cấu trúc tế bào da được bảo tồn.
"Hóa thạch này thực sự là một vật hiếm thấy", TS Zixiao Yang tại Đại học Cao đẳng Cork, Ireland, nói và cho biết nhờ sử dụng tia UV, họ có góc nhìn rõ hơn dưới ánh sáng màu vàng cam nổi bật.
"Chi tiết đáng kinh ngạc là tính chất của lớp da hóa thạch, nó bao gồm hợp chất silica giống thủy tinh. Phương thức bảo tồn này chưa bao giờ được tìm thấy trong các hóa thạch của động vật có xương sống, mở ra khả năng còn nhiều hóa thạch khác với mô mềm chưa được khám phá", ông cho biết thêm.
Hóa thạch cung cấp thêm cho các nhà khoa học những hiểu biết mới về quá trình tiến hóa từ việc mọc vảy tới mọc lông của khủng long, chứng minh rằng da của chúng có biểu hiện "tiến hóa chọn lọc".