Một hóa thạch rùa mới được phát hiện ở Columbia, điều kỳ lạ là mai của nó dày tương đương một cuốn sách 400 trang, có tác dụng bảo vệ cơ thể từ những cuộc tấn công của những động vật săn mồi như cá sấu và loài rắn lớn nhất thế giới.
Hóa thạch ‘rùa mai dày’ Cerrejonemys wayuunaiki được phát hiện tại Columbia. Ảnh: Edwin Cadena |
Các nhà khoa học từ Viện Nghiên cứu nhiệt đới Smithsonian ở Panama và Bảo tàng Lịch sử tự nhiên ở bang Florida, Hoa Kỳ đã tìm thấy hóa thạch ‘rùa mai dày’ tại mỏ than Cerrejón ở Columbia. Mai rùa hóa thạch này có niên đại 60 triệu năm tuổi, mai dày tới 3,8cm và bề rộng mai đạt gần 1m. Rùa được đặt tên là Cerrejonemys wayuunaiki theo ngôn ngữ của người địa phương Wayuu ở Columbia.
Trước đó, các nhà khoa học cũng đã phát hiện hóa thạch rắn khổng lồ, có tên khoa học là Titanoboa cerrejonensis, tại cùng địa điểm với ‘rùa mai dày’ Cerrejonemys wayuunaiki. Rắn Titanoboa cerrejonensis có chiều dài cơ thể khoảng 12,2 - 15,24m, trong khi loài rắn dài nhất thế giới Python reticulatus còn tồn tại ngày nay cũng chỉ dài gần 9m.
Bức tranh minh họa sự sống rừng mưa nhiệt đới Nam Mỹ cách nay 60 triệu năm, trong đó có loài rắn cổ đại lớn nhất thế giới Titanoboa cerrejonensis. Ảnh: Jason Bourque |
“Các hóa thạch từ mỏ than Cerrejón, Columbia cung cấp một bức tranh sinh động về sự sống rừng mưa nhiệt đới Nam Mỹ cách nay 60 triệu năm sau khi xảy ra thảm họa tuyệt chủng vào cuối kỷ Phấn trắng và trước khi dãy núi Andes, lưu vực sông Amazon hiện đại và eo đất (isthmus) nối hai khu vực Bắc và Nam Mỹ được hình thành”, nhà khoa học Carlos Jarmillo, công tác tại Viện Nghiên cứu nhiệt đới Smithsonian phân tích.
Khám phá trên đã được đăng trên Tạp chí khoa học về những sinh vật cổ có xương sống (The Journal of Vertebrate Paleontology).