Các nhà cổ sinh vật học công bố phát hiện hóa thạch dẻ tùng có niên đại từ kỷ Jura, thời kỳ phát triển cực thịnh của khủng long.
Hóa thạch chứa hai mẫu vật được tìm thấy tại khu tự trị Nội Mông ở phía bắc Trung Quốc. Nó bao gồm các nhánh, lá, chồi và cấu trúc mang hạt, trông giống các loài dẻ tùng Amentotaxus còn tồn tại ngày nay.
Dẻ tùng Amentotaxus cổ đại có đặc điểm hình thái tương đồng với các loài họ hàng hiện đại. (Ảnh: CNS).
Nhóm nghiên cứu tại Viện Địa chất và Khảo cổ học Nam Kinh thuộc Viện Khoa học Trung Quốc (CAS) đã công bố phát hiện mới trên tạp chí National Science Review. Các chuyên gia từ Quỹ Oak Spring Garden, Vườn bách thảo Chicago và Đại học Yale của Mỹ cũng tham gia vào nghiên cứu.
Sau khi phân tích chi tiết, các nhà khoa học đã xác định mẫu vật là một loài Amentotaxus cổ đại, điều này có nghĩa là chi thực vật lá kim này đã tồn tại trên Trái đất trong ít nhất 160 triệu năm.
Tác giả chính của nghiên cứu Dong Chong từ CAS cho hay nhóm thực vật hoặc động vật không có nhiều thay đổi qua hàng triệu năm như Amentotaxus được ví như những "hóa thạch sống", bởi các loài còn tồn tại có thể tiết lộ đặc điểm hình thái của tổ tiên chúng.
"Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp bằng chứng rõ ràng rằng Amentotaxus đã trải qua thay đổi hình thái rất nhỏ trong ít nhất 160 triệu năm. Do đó, nó có thể được công nhận là một hóa thạch sống, cung cấp một ví dụ mới quan trọng về sự ứ đọng tiến hóa", Dong nói trong báo cáo.
Theo nghiên cứu, Amentotaxus đã có mặt trên Trái đất từ kỷ Jura giữa, thời kỳ được mệnh danh là kỷ nguyên của khủng long. "Chúng đã trải qua các thời kỳ nhà kính và băng hà trong lịch sử và chứng kiến những thay đổi to lớn trong hàng triệu năm", Dong nói thêm.
Mặc dù có sức sống mãnh liệt, số lượng Amentotaxus trong vài năm qua liên tục giảm. Nhóm nghiên cứu kêu gọi các nhà chức trách cần nỗ lực nhiều hơn để bảo tồn loài thực vật đặc hữu của Trung Quốc này.