Chuyện gì xảy ra khi một con ruồi đậu lên miếng bánh của bạn? Tin tôi đi, bạn sẽ muốn vứt nó ngay!

  •   4,76
  • 6.715

Chuyện ruồi đậu vào thức ăn là điều không hiếm khi xảy ra. Mà thường thì bạn sẽ làm gì nhỉ, nếu như miếng bánh thơm phức đang chuẩn bị thưởng thức lại bị giống loài khó chịu này... ăn trước?

Có lẽ, nhiều người sẽ chọn... kệ, dù sao cũng là chuyện bình thường thôi mà. Nhưng sự thật là một con ruồi có thể mang đến rất nhiều vấn đề, nếu như chúng đậu được trên đĩa thức ăn của bạn đủ lâu đấy.

1. Chúng sẽ... nôn lên đồ ăn của bạn

Chúng sẽ... nôn lên đồ ăn của bạn

Có một sự thật nhiều người chưa biết về... cách ăn uống của loài ruồi, đó là chúng sở hữu một chiếc miệng hình vòi để hút thức ăn. Cấu tạo này khiến chúng buộc phải biến mọi loại thức ăn trên đời này thành dịch lỏng, giúp quá trình hút vào thuận tiện hơn.

Và để làm được điều đó, chúng sẽ phun lên thức ăn một loại nước bọt chứa enzyme đặc biệt để phân giải chất hữu cơ. Có điều, trong dung dịch này lại chứa gần như mọi thứ chúng ăn trước đó (như thịt ôi thiu, thức ăn cũ hỏng, thậm chí là cả... phân). Nói cách khác, nó chẳng khác gì một bãi nôn cả, thậm chí còn kinh khủng hơn.

Việc ợ thức ăn thừa đang tiêu hóa trong bụng ruồi còn có một mục đích nữa, nó muốn làm khô chúng lại một chút. Trên thực tế, khi có quá nhiều thức ăn trong dạ dày, ruồi sẽ muốn tống tạm chúng ra ngoài, đợi hơi nước bay bớt rồi mới hút trở lại.

Bằng hành động này, chúng có thể ăn thêm nhiều hơn và sẽ đỡ nặng bụng trong khi bay.

2. Chúng có thể đẻ trứng lên đó

Chúng có thể đẻ trứng lên đó

Thực phẩm của con người - dù ôi thiu hay không cũng sẽ là môi trường hoàn hảo để ruồi đẻ trứng. Sau một khoảng thời gian, số trứng ấy sẽ nở ra giòi, và khiến chỗ thức ăn ấy bị nhiễm độc kèm vi khuẩn. Nhìn chung thì, chắc chẳng ai muốn ăn một ổ giòi đâu nhỉ?

3. Ruồi là một ổ vi khuẩn còn hơn cả gián

Ruồi là một ổ vi khuẩn còn hơn cả gián

Bản thân loài ruồi có chứa ít nhất 200 loại vi khuẩn có hại, với số lượng thậm chí là gấp 10 lần loài gián. Lượng vi khuẩn này xuất phát từ những thứ ruồi thường bâu vào, bao gồm rác, thực phẩm ôi thiu hôi thối, và phân động vật.

Trên các chi của ruồi có hàng ngàn sợi lông siêu nhỏ. Điều này dẫn đến chuyện chỉ cần một thoáng tiếp xúc, gần như toàn bộ số vi khuẩn trên đã lây lan sang đồ ăn của bạn. Như theo nghiên cứu từ ĐH Công nghệ Nanyang chỉ ra rằng: "mỗi bước đi của ruồi sẽ để lại đằng sau cả một ổ vi khuẩn."

"Ruồi chỉ cần vài giây tiếp xúc với thực phẩm là đủ để số vi khuẩn đến từ những thứ kinh khủng nhất trên đời chuyển sang món đồ bạn chuẩn bị ăn," - Ron Harrison, nhà côn trùng học tại Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Orkin cho biết.

4. Mang đến ít nhất 65 loại bệnh

Mang đến ít nhất 65 loại bệnh

Một con ruồi có thể mang theo ít nhất 65 mầm bệnh cho chúng ta. "Trong số các vi khuẩn chuyển sang có cả những mầm bệnh nguy hiểm như tả, kiết lỵ, thương hàn..." - Ron Harrison cho biết. Không chỉ con người, số vi khuẩn này còn gây nguy hiểm cho các loài vật khác nữa, bao gồm cả lợn và gà.

Vậy nên, có lẽ bạn cần suy nghĩ lại về việc tiếp tục ăn thứ đã được lũ ruồi đụng vào.

Ruồi có làm gì tốt ngoài việc chuyên đi ăn chực và truyền bệnh hay không?

Khạc nhổ vào thức ăn của bạn và lây lan dịch bệnh nghe có vẻ kinh tởm, nhưng ruồi không phải lúc nào cũng thể hiện chúng như một đám du côn.

Lần tới trong khi đi picnic, bạn hãy quan sát kỹ xung quanh mình và để ý có bao nhiêu con ruồi đang ghé thăm hoa để lấy mật. Ruồi giống như ong cũng nằm trong nhóm động vật thụ phấn quan trọng. Trên thực tế, nhiều loài thực vật cần ruồi để giúp chúng sinh sản .

Ruồi cũng là nguồn thức ăn cho ếch, thằn lằn, nhện và chim, vì vậy chúng là một phần có giá trị của hệ sinh thái .

Một số loài ruồi thậm chí còn có công dụng chữa bệnh. Ví dụ, các bác sĩ sử dụng giòi ruồi – những con non chưa trưởng thành của chúng để loại bỏ các mô bị hoại tử trong vết thương. Giòi tiết ra một số chất có tác dụng kháng virus và kháng khuẩn. Những chất này thậm chí còn giúp các nhà khoa học tạo ra phương pháp điều trị nhiễm trùng mới.

Quan trọng hơn, những con ruồi giấm thường hay bay quanh chuối chín trong bếp nhà bạn hiện đang là một người đồng hành quan trọng của các nhà khoa học. Họ đang sử dụng ruồi giấm trong vô số các thí nghiệm y sinh và ở khắp nơi trên thế giới.

Đó là bởi ruồi giấm chia sẻ tới 75% số gen bệnh tật với con người. Nghiên cứu loài ruồi này có thể giúp chúng ta tìm ra nguyên nhân và cách chữa trị cho nhiều căn bệnh, nhất là các bệnh rối loạn di truyền.

Bởi vậy, mặc dù hơi phiền toái một chút khi lũ ruồi cứ nhìn chằm chằm chiếc bánh mì của bạn, nhưng với những đóng góp của loài côn trùng bé nhỏ này, có lẽ bạn cũng nên véo một mẩu bánh nhỏ và chia sẻ riêng cho chúng.

Cập nhật: 11/11/2021 Theo Trí Thức Trẻ/pháp luật&bạn đọc
  • 4,76
  • 6.715