40.000 năm trước, loài quái thú dị thường, khổng lồ này từng lang thang khắp miền đất bị cô lập của châu Đại Dương ngày nay.
Theo Sci-News, các nhà cổ sinh học Úc đã "bắt được vàng" khi khai quật được một số bộ hài cốt gần như hoàn chỉnh của quái thú Diprotodon đã tuyệt chủng.
Hài cốt quái thú đã tuyệt chủng ở Úc - (Ảnh: BẢO TÀNG TÂY ÚC).
Tuy là thú có túi, nhưng Diprotodon có cơ thể hoàn toàn khác biệt so với các loài thú có túi ngày nay: Chiều cao tới vai khoảng 1,8 m, mình dài 4 m, nặng khoảng 2,8 tấn.
Kích cỡ này khiến nó to như một con voi châu Á.
Theo tiến sĩ Alec Coles, Giám đốc điều hành Bảo tàng Tây Úc, tác giả chính của nghiên cứu, Diprotodon là một quái thú đã tuyệt chủng, có liên quan tới gấu túi. "Chúng là loài thú có túi lớn nhất từng tồn tại" - tiến sĩ Cole cho biết.
Tuy khổng lồ nhưng chúng là động vật ăn cỏ hiền lành.
Hợp tác với nhà điều hành khu mỏ gần đó là Công ty CITIC Pacific Mining, các nhà cổ sinh vật học đã khai quật các bộ xương Diprotodon được bảo tồn cực tốt từ di chỉ Du Boulay Creek, thuộc vùng đồng bằng ngập lũ sông Fortescue.
Chân dung quái thú cổ đại khi còn sống và lang thang trên các đồng cỏ nước Úc cổ đại - (Ảnh đồ họa: Nellie Pease).
Các cá thể này nằm rất gần nhau tại địa điểm khai quật, bao gồm cả con trưởng thành lẫn con non.
Điều này cho thấy chúng có thể liên quan tới nhau, là thành viên của một đàn đang trên tuyến đường di cư lớn thời cổ đại.
Các bộ xương hiện có thể nhìn thấy một phần hộp sọ, hàm và răng lộ ra bên ngoài, trong khi phần cơ thể còn lại vẫn mắc kẹt trong đá cứng.
Cuộc khai quật được tiến hành gấp rút vì một khi hóa thạch đã lộ ra, chúng rất dễ bị hủy hoại bởi lũ lụt theo mùa.
Các nhà khoa học tin tưởng rằng sẽ còn nhiều khám phá thú vị sau khi các bộ hài cốt quái thú Diprotodon quý giá được đưa về, cũng như sau khi chúng trải qua một công đoạn cẩn thận và tốn nhiều thời gian để được tách khỏi đá.