Quái thú 218 triệu tuổi đầu đại bàng, mình cá sấu lộ diện ở Mỹ

Một loài quái thú được tìm thấy ở bang Texax - Mỹ đã làm các nhà khoa học bối rối hơn 3 thập kỷ.

Nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi nhà cổ sinh vật học William Reyes (Mỹ) từ Trường Đại học Texas ở Austin (Mỹ) xác định quái thú là một loài mới thuộc dòng họ Aetosaur.

Aetosaur là một nhóm thằn lằn chúa bọc thép đã tuyệt chủng, có họ hàng gần với cá sấu, họ hàng xa với chim và khủng long. Tên Aetosaur có nghĩa là "thằn lằn đại bàng", bởi hộp sọ của chúng giống hộp sọ chim đại bàng, theo tờ Newsweek.


Vẻ ngoài của quái thú "thằn lằn đại bàng" Texas khi còn sống - (Ảnh đồ họa: SCI-NEWS).

Loài mới được đặt tên là Garzapelta muelleri, có chiều dài lên tới 3,5 m và sinh sống ở nơi là bang Texas nước Mỹ vào thời điểm 218 triệu năm về tước, tức giữa kỷ Tam Điệp.

Cũng như các Aetosaur khác, chúng là động vật ăn tạp nhưng chủ yếu là ăn cỏ.

Theo bài công bố trên tạp chí The Anatomical Record, hài cốt hóa thạch của nó đã được khai quật từ năm 1989 tại hệ tầng Cooper Canyon ở hạt Garza bang Texas.

Tuy nhiên, cho đến nay, nó mới được xác định là một loài hoàn toàn mới, sau khi các nhà khoa học chỉ ra một số đặc điểm độc đáo trên bộ giáp mà các loài Aetosaur đã biết chưa từng sở hữu.

Mặc dù vậy, vị trí của loài này trên cây tiến hóa Aetosaur vẫn còn gây tranh cãi.

Con quái thú này cũng có khá nhiều đặc điểm tương đồng với 2 loài Aetosaur khác từng được tìm thấy ở khu vực Eagle Basin thuộc bang Colorado - Mỹ, nhất là cấu trúc vảy xương bên trên, thứ tạo cho chúng một chiếc lưng bọc thép.

Nhóm tác giả dẫn đầu bởi các nhà nghiên cứu từ Trường Đại học Texas ở Austin (Mỹ) thì mô tả nó giống một con cá sấu Mỹ bị lai với tatu, bởi sở hữu bộ giáp đáng sợ.


Bộ giáp khổng lồ được nghiên cứu tại phòng thí nghiệm - (Ảnh: William Reyes).

Đó là kiểu giáp có gai nhọn giống với các loài khủng long bọc giáp của kỷ Jura ngay sau kỷ Tam Điệp mà Garzapelta muelleri sinh sống.

Loài này cùng với các họ hàng Aetosaur của chúng được cho là biến mất ngay giai đoạn giao thoa của 2 kỷ địa chất này, tức khoảng 200 triệu năm trước.

Tuy vậy, chúng đã cung cấp nền tảng cho các giáp long và sinh vật bọc giáp khác cho các thời kỳ sau đó.

Các tấm xương bao phủ Aetosaur là dạng vảy xương, gắn trực tiếp vào da và khớp với nhau như một bức tranh khảm. Ngoài ra, Garzapelta muelleri còn sở hữu những chiếc gai cong hai bên sườn, giúp chúng được bảo vệ hữu hiệu hơn khỏi các kẻ thù.

Loài mới này đã được phát hiện một cách hết sức bất ngờ, khi các nhà khoa học nghiên cứu bộ giáp từng bị lầm tưởng là giáp long hoặc một Aetosaur đã biết.

Bộ giáp nằm trong bộ sưu tập hóa thạch của Đại học Công nghệ Texas suốt 30 năm trước khi được chú ý và khiến một loài mới được xuất hiện trong hồ sơ cổ sinh vật học.

Theo các tác giả, nghiên cứu về sinh vật của buổi giao thời này sẽ cung cấp nhiều dữ liệu quan trọng và sự tiến hóa của các bộ giáp trên cơ thể những loài bò sát các thời kỳ sau đó.

Sự xuất hiện của quái thú Texas cho thấy khu vực này từng chứng kiến sự bùng nổ của một nhóm Aetosaur đa dạng.

Vào kỷ Tam Điệp, đó là một phần của siêu lục địa đã tan rã Pangea, một miền đất ẩm ướt và ngoài Aetosaur còn có rất nhiều loài cá sấu cổ đại sinh sống, theo Bảo tàng Cổ sinh vật học thuộc Đại học California (Mỹ).

Cập nhật: 22/03/2024 NLĐ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video