ThS Vũ Đình Thống, chuyên gia nghiên cứu về loài dơi thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật (Viện Khoa học và công nghệ VN) cho biết vừa phát hiện thêm một loài dơi mũi xám lớn. Loài dơi này rất hiếm trên thế giới.
Một nhóm các nhà khoa học của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã phối hợp với các chuyên gia đến từ 7 nước như Anh, Iceland, Đức, Malaysia, Thái Lan... để tiến hành điều tra dơi ở Vườn Quốc gia (VQG) Cát Bà và VQG Cúc Phương trong tháng 8, 9-2006.
Chương trình điều tra dơi nói trên được sự tài trợ về kinh phí của Quỹ sáng tạo Darwin (Darwin Initiative) và Chương trình Bảo tồn BP (the BP Conservation Programme).
Qua điều tra, các nhà khoa học đã phát hiện thêm một loài dơi mũi xám lớn ở hai VQG nói trên. Đây là lần đầu tiên loài dơi mũi xám lớn được phát hiện ở nước ta.
Dơi mũi xám lớn có tên khoa học là Hipposideros grandis. Loài dơi này đã và đang là một trong số ít đối tượng trên thế giới được quan tâm đặc biệt. Chúng được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1936 ở vùng núi Akunti của Myanmar.
Dơi mũi xám lớn. (Ảnh: Vũ Đình Thống)
Dơi mũi xám lớn nặng 30-40g, có bộ lông ngắn, mềm, thường có màu nâm sẫm ở phần lưng và nâu vàng ở phần bụng. Con non thường có màu lông sẫm hơn con trưởng thành. Toàn bộ màng cánh và màng đuôi màu nâu đen sẫm.
Tuy nhiên, do đặc điểm hình thái ngoài và kích thước cơ thể rất giống với loài dơi mũi xám nhỏ (Hipposideros larvatus) nên dơi mũi xám lớn đã không được xác định là một loài riêng biệt mà chỉ được coi như một dạng đặc biệt của loài dơi mũi xám nhỏ.
Trước khi được phát hiện ở VN, các dẫn liệu về dơi mũi xám lớn còn rất hạn chế. Chỉ có một cá thể của loài này được ghi nhận ở Thái Lan và một số ít cá thể được ghi nhận ở Myanmar.
Kết quả điều tra nói ở trên cho thấy, dơi mũi xám lớn đang sinh sống ở VN với số lượng tương đối lớn. Chúng thường sống chung với loài dơi nếp mũi nhỏ (Hipposideros of alongensis).
Theo các chuyên gia nghiên cứu về dơi, sự phát hiện loài dơi này ở VN có vai trò đặc biệt quan trọng. Chúng không chỉ có ý nghĩa bổ sung về số lượng loài dơi của nước ta mà còn cho thấy khu hệ dơi ở VN đã và đang chứa đựng những giá trị tiềm ẩn, đa dạng và phong phú.
Theo chuyên gia Vũ Đình Thống, ở VN, cứ sau mỗi lần điều tra lại phát hiện thêm một loài mới. Theo kết quả điều tra mỗi Vườn Quốc gia trong hai vườn Quốc Gia được điều tra này có khoảng 300-500 cá thể dơi mũi xám lớn.
Sự xuất hiện của loài dơi mới này đã tăng số lượng loài cho VN lên thành 111 loài, 7 họ, 32 giống và số lượng này vẫn còn tiếp tục kéo dài thêm nữa.
NGỌC HUYỀN