Mới đây, các nhân viên thuộc tổ chức bảo vệ môi trường Widlife At Risk đã phát hiện loài Culi lớn hiện diện ở Phú Quốc.
Ngày 8/6, ThS. Nguyễn Vũ Khôi, thuộc tổ chức Widlife At Risk, cho biết, trong hai chuyến khảo sát vào tháng 1/2005 và tháng 4/2006, đã phát hiện được sự hiện diện của một loài Culi lớn tại đảo Phú Quốc.
Đây là lần đầu tiên người ta phát hiện Culi lớn ở Phú Quốc. Trước đó, các tài liệu khoa học ghi nhận, loài vật này chỉ sống từ phía biên giới phía Bắc Việt Nam vào đến Thừa Thiên Huế.
Một hộ nông dân trên đảo Phú Quốc đã bắt giữ 3 con Culi lớn tại vườn nhà (tháng 10/2005 bắt 2 con và tháng 12/2005 bắt 1 con). Chúng từ bìa rừng bò vào rẫy (sát rừng) của một hộ dân để ăn trái mít và trái điều được trồng trong vườn.
Mô tả sơ bộ ban đầu của 3 con Culi được chụp hình, chiều dài từ đầu đến hết phần thân 37cm, lông dày màu nâu nhạt so với loài Culi nhỏ và có một sọc nâu chạy dọc theo sống lưng.
Theo nông dân và lực lượng Kiểm lâm của vườn Quốc gia cho biết, loài Culi ở đây có con lớn và con nhỏ. Chúng còn tương đối phổ biến trong rừng và nhất là sau mùa mưa, chúng hay xuất hiện dọc ven đường, bìa rừng vào ban đêm.
Các hình ảnh chụp loài Culi này cũng đã được kiểm chứng với chuyên gia của Viện Sinh Thái và Tài Nguyên Sinh Vật, Ông Đặng Huy Phương, cùng với chuyên gia của Trung tâm Cứu Hộ Thú Linh Trưởng Nguy Cấp tại Vườn Quốc Gia Cúc Phương, Tiến sĩ Ulrike Streicher. Loài này được xác nhận là loài Culi lớn (Nycticebus bengalensis).
Hiện nay, hộ dân này đã chủ động thả 3 cá thể Culi này về rừng.
Culi là loài cấm săn bắn vì được liệt vào sách đỏ Việt Nam và các quy định của ngành Kiểm lâm.
Trong thời gian tới, các nhà khoa học sẽ tiếp tục khảo sát về độ phong phú của quần thể các loài Culi tại Phú Quốc.
Ảnh Culi lớn (Nycticebus bengalensis) chụp tháng 4/2006 tại Phú Quốc:
|
|
|
|
Loài Culi nhỏ trong đất liền... | ...lông sậm màu hơn. |