Các nhà khảo cổ phát hiện những mảnh gốm có niên đại tới 20.000 năm trong một hang đá tại Trung Quốc.
>>> Phát hiện hơn 700 di vật khảo cổ ở Trung Quốc
Một mảnh gốm trong hang Xianrendong ở Giang Tây, Trung Quốc.
Những mảnh gốm được các nhà khảo cổ Trung Quốc cùng các đồng nghiệp từ Đức, Mỹ tìm thấy trong hang có tên Xianrendong ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, AFP đưa tin.
Kết quả phân tích niên đại bằng phương pháp carbon phóng xạ cho thấy con người bắt đầu sống trong hang từ khoảng 17.500 tới 29.000 trước. Mảnh gốm cổ nhất trong hang được tạo ra cách đây chừng 20.000 năm, nghĩa là trước khi nền nông nghiệp của nhân loại ra đời.
Các nhà khảo cổ tin rằng một cộng đồng người - sinh sống nhờ hoạt động săn bắt và hái lượm - đã tạo ra những mảnh gốm từ khoảng 20.000 năm trước. Những vết cháy sém trên gốm cho thấy có lẽ người xưa dùng chúng để nấu thức ăn.
Nhiều giả thuyết hiện nay cho rằng loài người phát minh ra gốm từ khoảng 10.000 năm trước, khi tổ tiên của chúng ta từ bỏ lối sống săn bắt và hái lượm để tập trung vào hoạt động trồng trọt và chăn nuôi. Sự xuất hiện của những mảnh gốm trong hang Xianrendong cho thấy những giả thuyết đó không đúng.
“Trọng tâm trong những nghiên cứu về đồ gốm sẽ phải thay đổi. Phát hiện mới giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những thay đổi về kinh tế, xã hội trong khoảng thời gian từ 19.000 tới 25.000 năm trước”, Gideon Shelach, một nhà nghiên cứu về Đông Á của Đại học Hebrew tại Israel, phát biểu.