Các nhà cổ sinh vật học Cuba đã phát hiện ra những mảnh hóa thạch đầu tiên của một con thằn lằn bay (pterosaur), một loài thằn lằn có mối liên hệ với khủng long.
Phác họa về loài thằn lằn bay. (Nguồn: The Daily Beast)
Nhật báo Granma ngày 27/3 đưa tin trong quá trình khai quật tại khu vực khảo cổ Damuji gần thành phố Cienfuegos, miền Trung Cuba, các nhà nghiên cứu đã phát hiện các mảnh xương hóa thạch trong đá lớp trầm tích từ kỷ Phấn Trắng muộn trong lòng địa chất của thành phố.
Nhà nghiên cứu người Cuba Carlos Rafael Borges, trưởng nhóm khảo cổ sinh vật học và là người đã phát hiện ra số hóa thạch, cho biết các chuyên gia của Bảo tàng La Plata của Argentina đã xác nhận hóa thạch này thuộc về loài thằn lằn bay.
Thằn lằn bay sống từ cuối kỷ Triat, cách đây khoảng 205 triệu năm, đến khi tuyệt chủng vào cuối kỷ Phấn Trắng, cách đây khoảng 65 triệu năm. Theo các nhà khoa học, thức ăn của chúng là cá sinh sống ở vùng nước nông.