Phát hiện hóa thạch thằn lằn bay thời tiền sử

  •  
  • 1.672

Qua nghiên cứu, các chuyên gia nhận định hóa thạch này là của loài thằn lằn bay cổ xưa nhất được tìm thấy.

Mới đây, nhóm các nhà nghiên cứu thuộc ĐH George Washington, ĐH South Florida đã phát hiện ra hóa thạch 163 triệu tuổi của loài bò sát bay thời tiền sử. Các nhà khoa học đặt tên cho loài vật thời tiền sử này là Kryptodrakon - tổ tiên loài thằn lằn bay lâu đời và cổ xưa nhất được tìm thấy.

Qua phân tích, các chuyên gia nhận định loài thằn lằn bay này mang đặc tính của loài thằn lằn có cánh Pterodactyloidea. Loài thằn lằn có cánh Pterodactyloidea này có nguồn gốc và phát triển ở cả môi trường trên mặt đất chứ không phải duy nhất ở môi trường mặt nước như đã từng biết trước đó.

Phát hiện hóa thạch thằn lằn bay thời tiền sử
Xương của loài Kryptodrakon

Nghiên cứu sâu hơn, các chuyên gia nhận định, đây là hóa thạch của con thằn lằn bay dạng nhỏ, có sải cánh tầm 4,5m. Sau khi trưởng thành, sinh vật này phát triển thành sinh vật khổng lồ có kích thước tầm chiếc máy bay chiến đấu. Pterodactyloidea đã bị tuyệt chủng khoảng 66 triệu năm trước và được coi là có họ hàng gần gũi với khủng long.

Tiến sĩ Andres - người tham gia nghiên cứu cho biết: "Phát hiện này sẽ cung cấp cho chúng tôi những thông tin mới về sự tiến hóa của thằn lằn bay. Rất có thể, khu vực mà thằn lằn bay sống đã bị lụt, nên chúng buộc phải tiến hóa. Thằn lằn bay thay đổi từ cánh hẹp - có ích với môi trường sang cánh dài, rộng hơn - có lợi trong việc điều hướng tại môi trường đất liền. Theo đó, loài thằn lằn này có thể "đi bộ" và bay theo cách hoàn toàn mới".

Phát hiện hóa thạch thằn lằn bay thời tiền sử
Hình ảnh của một Pterodactyloidea

Tiến sĩ Clark, Ronald B. Weintraub thuộc ĐH George Washington cho biết: "Kryptodrakon là loài thằn lằn bay thứ hai được chúng tôi phát hiện. Qua nghiên cứu hóa thạch này đã giúp chúng tôi có thêm nhiều thông tin, hiểu hơn về hệ sinh thái đa dạng của kỷ Jura".

Nghiên cứu này sẽ được ghi vào phần nghiên cứu lịch sử sinh thái của thằn lằn bay khi cung cấp mối tương quan giữa hình dạng cánh với môi trường sống. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định, thằn lằn bay không phải là tổ tiên của loài chim (khủng long có lông mới được coi là tổ tiên loài chim này). Các nhà khoa học tin rằng, thằn lằn bay không tiến hóa thành chim và động vật hiện đại khác.

Theo Trí Thức Trẻ
  • 1.672