Các nhà khoa học thuộc Đại học Yale (Mỹ) vừa phát hiện một loại gen có vai trò quan trọng trong quá trình phát sinh bệnh trầm cảm. Phát hiện này có ý nghĩa quan trọng giúp cung cấp tư duy mới trong điều chế các loại thuốc ức chế bệnh trầm cảm.
Ảnh minh họa. (Nguồn internet)
Ở Mỹ có khoảng 16% người mắc bệnh trầm cảm. Căn bệnh này không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và công việc của người bệnh, mà còn mang lại gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội.
Từ trước đến nay, các nhà khoa học đã tốn nhiều công sức và tiền của cho việc tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả căn bệnh này, tuy nhiên kết quả không mấy lạc quan.
Triệu chứng của bệnh trầm cảm có sự khác biệt rất lớn ở những đối tượng khác nhau. Nhiều người bệnh xuất hiện triệu chứng như u sầu, giảm hưng phấn, bi quan, tư duy chậm chạp, thiếu động lực và tự tin, mất ngủ.
Trước mắt biện pháp phổ biến nhất điều trị căn bệnh này là sử dụng thuốc dẫn truyền thần kinh serotonin. Tuy nhiên các nghiên cứu phát hiện còn tồn tại những khác biệt trong phản ứng của bệnh nhân khi sử dụng loại thuốc này.
Hơn 40% bệnh nhân đã không nhạy cảm với loại thuốc này và phải sử dụng nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng liền mới có kết quả.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã tiến hành so sánh gen của 21 bệnh nhân trầm cảm với gen của 18 người bình thường. Kết quả phát hiện trong đại não người mắc trầm cảm có loại gen MKP-1 xuất hiện tình trạng dị thường. Vì thế, các nhà khoa học phán đoán đường tín hiệu phân tử có liên quan đến gen MKP-1 có mối quan hệ bệnh trầm cảm và các loại bệnh rối loạn thần kinh khác.
Sau đó, các nhà khoa học tiến hành thí nghiệm trên chuột để kiểm chứng. Khi gen MKP-1 bị ức chế, chuột thí nghiệm có thể khôi phục hoạt động trước các áp lực.
Khi gen MKP-1 được kích hoạt, chuột thí nghiệm sẽ biểu hiện phản ứng tương tự như triệu chứng bệnh trầm cảm.