Phát hiện rừng đước hóa đá 23 triệu năm

Hóa thạch phát hiện trên đảo Barro Colorado hé lộ Panama từng có một rừng đước khổng lồ với cây cao 25 - 40 m, bị bùn núi lửa chôn vùi cách đây 23 triệu năm.


Một mẫu vật gỗ hóa thạch trên đảo Barro Colorado. (Ảnh: Christian Ziegler)

Một rừng đước cổ đại với nhiều cây cao tới 40m được phát hiện hơn 20 triệu năm sau khi bùn chảy từ núi lửa bao trùm khu vực ngày nay nằm ở Panama, theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Palaeogeography, Palaeoclimatology, Palaeoecology. Các nhà nghiên cứu lần đầu tiên tìm thấy hóa thạch năm 2018 trong một cuộc thám hiểm địa chất trên đảo Barro Colorado (BCI). Hòn đảo nằm ở hồ nhân tạo Gatun của Panama, nơi hàng nghìn tàu thủy đi qua mỗi năm khi vượt kênh đào Panama.

BCI từng nằm ở vùng đồi bị ngập một phần năm 1913, khi kỹ sư xây đập trên sông Chagres để tạo ra kênh đào, và trở thành khu bảo tồn tự nhiên năm 1923. Ngày nay, những khu rừng nhiệt đới ở BCI nằm trong số được nghiên cứu nhiều nhất thế giới.

"Chúng tôi chưa bao giờ tưởng tượng có rừng gỗ hóa thạch ở BCI, dù vô số nhà khoa học đã khảo sát hòn đảo trong thập kỷ qua, chưa từng có ai nhắc tới chúng", đồng tác giả nghiên cứu Carlos Jaramillo, nhà địa chất học ở Viện nghiên cứu nhiệt đới Smithsonian tại Panama, chia sẻ. "Hóa thạch rất khó phân biệt với cây đang phân hủy trong khu rừng do chúng trông giống khúc gỗ mục".

Bất chấp hình dáng, hóa thạch rừng đước được bảo quản khá nguyên vẹn, theo Jaramillo. Đó là vì một vụ phun trào núi lửa chôn vùi thân cây cách đây khoảng 23 triệu năm ở đầu thế Trung Tân (5,3 - 23 triệu năm trước), làm chậm quá trình phân hủy và giữ nguyên rừng cây qua thời gian.

"Mẫu vật gỗ hóa thạch hay còn gọi là gỗ hóa đá chứa lượng lớn thông tin", trưởng nhóm nghiên cứu Camila Martínez Aguillón, nhà cổ sinh thái học ở Đại học EAFIT tại Colombia, cho biết. Cấu trúc tế bào bị khoáng hóa qua các thế địa chất và bảo quản nguyên vẹn, cung cấp cho các nhà nghiên cứu cơ hội hiếm hoi để tìm hiểu quá khứ.

Nhóm nghiên cứu kiểm tra 121 mẫu vật gỗ hóa thạch lộ ra ở một lạch nước nhỏ trên đảo và nhận thấy 50 mẫu vật thuộc về loài cây chưa từng biết trước đây, gọi là Sonneratioxylon barrocoloradoensis. Loài cây hóa thạch mới tìm thấy giống cây đước mọc ở Đông Nam Á, Australia, New Zealand và một số đảo xung quanh cùng nhiều nơi ở châu Phi.

Trong khi tán của phần lớn cây đước còn sống vươn cao 13m, S. barrocoloradoensis mọc cao tới 25 - 40m. Loài cây cổ đại nhiều khả năng tiến hóa biện pháp sinh tồn tương tự cây đước ngày nay, ưa nước lợ hơn nước biển độ mặn cao. Rừng cây mọc ở rìa bán đảo hẹp nối trung tâm Panama với Bắc Mỹ trước khi eo đất Panama hình thành, khoảng 3 - 23 triệu năm trước.

Cập nhật: 11/01/2024 VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video