Khu rừng hóa thạch ở Dorset là một dải ven biển phía nam nước Anh rải rác nhiều ụ đá vôi ẩn chứa dấu tích của những cây bách ở cuối kỷ Jura.
Khu rừng hóa thạch bao gồm những gốc cây chết 145 triệu năm ở vùng ven biển Dorset vào kỷ Jura cách đây 145 - 201 triệu năm, trải dài 153 km. Khu vực này chứa một số hóa thạch kỳ lạ nhất do các đám vi khuẩn giống tảo nhỏ xíu xâm chiếm cây không lâu sau khi chết. Qua nhiều thời kỳ, quần thể vi khuẩn mắc kẹt và kết thành hạt canxi carbonate trên cây, tạo thành thảm đá vôi sống gọi là thrombolite vẫn có thể thấy rõ ngày nay, Live Science hôm 6/12 đưa tin.
Những gốc cây hóa thạch trong khu rừng ở Dorset. (Ảnh: Alamy).
Khu rừng phát triển vào cuối kỷ Jura, vào thời gian có tên gọi ranh giới kỷ Jura - Phấn Trắng. Trong suốt thời gian đó, nhiệt độ hạ thấp và mực nước biển giảm, để lộ dải đất mới và hình thành nhiều đồng bằng ven biển mà sự sống, bao gồm cây cối, có thể phát triển. Các loài cây lá kim, dương xỉ và cây mè mọc lên ở khu vực ngày nay là vùng ven biển nước Anh khi đại dương thu hẹp. Thực vật có hoa vẫn chưa tiến hóa ở giai đoạn này trong lịch sử Trái đất, nhưng khủng long có thể lang thang trong khu rừng, theo trang Địa chất ven biển Wessex của Ian West, nhà địa chất học và nhà khoa học thỉnh giảng ở Đại học Southampton, Anh.
Khu rừng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn do mực nước biển nhanh chóng dâng cao trở lại, nhấn chìm cây cối trong nước mặn. Thay vì mục ruỗng, rễ và thân cây được bảo tồn bởi vi khuẩn. Cuối cùng, thân cây vỡ ra, để lại những ụ tròn vẫn lưu lại ven biển, tạo thành khu rừng hóa thạch.
Các ụ tảo trong khu rừng hóa thạch nằm gần vách đá trông ra eo biển Manche. Phần lớn tàn tích cây gỗ bên trong ụ thuộc về một loài bách cổ đại gọi là Protocupressinoxylon. Do đó, khu rừng cung cấp thông tin quan trọng về môi trường cổ xưa mà khủng long cuối kỷ Jura sinh sống.