Cây gỗ hoá thạch ở Gia Lai lớn nhất Việt Nam?

  •   32
  • 8.799

Công viên Đồng Xanh, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai trưng bày một gốc cây hoá thạch với lời giới thiệu “Cây gỗ hoá thạch lớn nhất Việt Nam hàng triệu năm tuổi...”. Tuy nhiên, đó chưa phải là cây gỗ hoá thạch lớn nhất nước.

Cây gỗ hóa thạch nói trên được tìm thấy ở miệng núi lửa Chu A Thai, huyện Ajunpa, Gia Lai. Thực vật dưới dạng hoá thạch cũng được tìm thấy ở nhiều địa phương khác.

Trong số thực vật hoá đá, loài thân gỗ bị biến thể giống như thạch anh hoặc mã não được giới chơi đá cảnh ưa chuộng nhất. Khi mài nhẵn và đánh bóng, chúng nổi vân và cho màu sắc rất đẹp.

Phần lớn các hoá thạch thực vật này được tìm thấy ở các tỉnh Quảng Nam, Gia Lai, Đăk Lăk và Lâm Đồng. Nhiều khúc gỗ hoá đá kích thước lớn được các nhà sưu tầm mua về cất giữ hoặc chế tác, rao bán với giá 2 - 30 triệu đồng.

Cây gỗ hoá đá trưng bày tại Công viên Đồng Xanh thực chất chưa phải là to nhất Việt Nam. Nó mới chỉ bằng 2/3 cây gỗ hoá thạch đặt tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (18 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội). Tuy nhiên, các cây gỗ hoá thạch trưng bày ở bảo tàng có đường kính 1,6 - 1,8m nhưng cũng chưa hẳn là lớn nhất nước.

Ở Việt Nam, thực vật dưới dạng hoá thạch được tìm thấy ở nhiều nơi. Cổ nhất là thực vật ngành thạch tùng (Lycopodiophyta) có niên đại 400 triệu năm thuộc kỷ Devon (kỷ địa chất được gọi theo tên khu vực Devon ở Anh, nơi các loại đá thuộc kỷ này được nghiên cứu lần đầu tiên). Loại hóa thạch này được tìm thấy ở vùng Đồng Văn, Hà Giang; vùng Núi Tèn, Thái Nguyên; trên các đảo Trà Bà, Vạn Cảnh, Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh; huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Chúng có kích thước rất nhỏ: đường kính 2 - 3mm, dài 4 - 5cm.

Cây gỗ hoá thạch có niên đại khoảng 170 triệu năm đặt tại Công viên Đồng Xanh.

Hoá thạch thực vật cổ thứ hai có niên đại 380 triệu năm thuộc bộ cây vẩy (Lepidodendrales) cũng ở kỷ Devon, có đường kính thân cây 1 - 5cm, dài 20 – 50 cm. Chúng được tìm thấy trong các lớp cát đã kết tinh thành thạch anh ở bán đảo Đồ Sơn, TP Hải Phòng; vùng Mỏ Nhài, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn; trong đá phiến vôi ở Hói Đá, huyện Bố Trạch, Quảng Bình.

Hoá thạch thực vật có niên đại 250 - 203 triệu năm chủ yếu gồm các đại biểu thuộc ngành dương xỉ (Polypodiophyta) và ngành hạt trần (Gymnospermae) được tìm thấy trong trầm tích chứa than của hai kỷ Permi và Trias ở các tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên, Sơn La, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Nam. Tuy nhiên, phần lớn thân cây đã bị hoá thành than và chỉ để lại dấu tích dưới dạng vết in của lá.

Hoá thạch thực vật có niên đại 175 - 135 triệu năm thuộc đại biểu của ngành dương xỉ và ngành hạt trần ở kỷ Jura. Loại hóa thạch này xuất hiện nhiều ở các vùng Thọ Lâm, Quảng Nam; Bình Sơn, Quảng Ngãi; Ea Súp, Đăk Lăk; Ajunpa, Gia Lai.

Hóa thạch thực vật có niên đại trên dưới 53 triệu năm của kỷ Đệ tam (kéo dài khoảng 65 triệu năm trước) chủ yếu gồm đại biểu ngành hạt kín (Angiosphermae). Loại hóa thạch này có ở mỏ than Nà Dương, Lạng Sơn; Nà Cáp, Cao Bằng; Hoành Bồ, Quảng Ninh; đảo Bạch Long Vĩ, TP Hải Phòng; dưới trũng Đồng bằng sông Hồng; Phan Lương, Phú Thọ; lân cận TP Tuyên Quang; Văn Yên, Cổ Phúc, Yên Bái; Sài Lương, Hang Mon, Sơn La; Khe Bố, Nghệ An; Cheo Reo, Phú Túc, Gia Lai; Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Đồng; trong các hố khoan ở Bình Trưng, Nhà Bè, TP HCM, Bà Miêu, Đồng Nai; Phụng Hiệp, Hậu Giang; Năm Căn, Cà Mau.

TS Nguyễn Hữu Hùng (Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam)

Theo Báo Đất Việt
  • 32
  • 8.799