Vi sinh vật phát triển mạnh tại một trong những môi trường khắc nghiệt nhất Trái Đất mở ra hy vọng tìm thấy sự sống trên hành tinh khác.
Ảnh phóng đại chụp bằng ánh sáng huỳnh quang cho thấy vi khuẩn xuất hiện dày đặc trong vết nứt đá bazan dưới đáy biển. (Ảnh: CNN).
Một nhóm nghiên cứu từ Đại học Tokyo, Nhật Bản hôm 2/4 công bố phát hiện hàng tỷ vi khuẩn sống trong các vết nứt đá bazan dưới đáy đại dương, ở độ sâu gần 15km so với mặt nước biển. Những vết nứt, nhỏ dưới 1 mm, chứa đầy đất sét giống như các tảng đá ở cả trên và dưới bề mặt sao Hỏa.
Đáy đại dương, hay lớp vỏ đại dương phía trên của Trái đất, được hình thành liên tục trong khoảng 3,8 tỷ năm qua. Đá bazan ở đây được tạo nên bởi hoạt động của núi lửa ngầm do dung nham nóng chảy ở nhiệt độ khoảng 1.200ºC hóa cứng khi tiếp xúc với nước biển lạnh. Các lỗ thông thủy nhiệt được xem nguồn duy trì sự sống cho các vi sinh vật dưới đáy đại dương, giúp chuyển đổi khoáng chất thành năng lượng, thay vì sử dụng ánh sáng.
Nhóm nghiên cứu, dẫn đầu bởi Phó giáo sư Yohey Suzuki tại Khoa Khoa học Trái Đất và Hành tinh của Đại học Tokyo, đã khoan sâu 122m vào đáy đại dương tại một vùng biển nằm giữa Tahiti và New Zealand để thu thập các mẫu đá bazan, dao động từ 33 đến 104 triệu năm tuổi. Họ phát hiện vi sinh vật đơn bào phát triển rất mạnh tại các vết nứt nhỏ giữa tảng đá, nơi chứa đầy đất sét giàu khoáng chất.
Suzuki ước tính có tới 10 tỷ tế bào vi khuẩn sống trong mỗi cm3 của vết nứt. Các nhà khoa học tin rằng hàm lượng sắt bên trong đất sét đã hỗ trợ sự phát triển của cộng đồng vi khuẩn tại đây.
"Việc phát hiện cộng đồng vi khuẩn phong phú như vậy bên trong đá giống như một giấc mơ", Suzuki nhấn mạnh. "Nó khiến tôi hy vọng một ngày nào đó các dạng sống tương tự có thể được tìm thấy trong môi trường khắc nghiệt trên sao Hỏa".
Miệng núi lửa Gale trên sao Hỏa. (Ảnh: NASA).
"Hành tinh đỏ" cũng có lớp vỏ bazan giống như Trái đất hình thành từ 4 tỷ năm trước. Kể từ khi thiết bị thăm dò Curiosity của NASA hạ cánh xuống bề mặt sao Hỏa vào năm 2012, nó đã thực hiện nhiều khám phá tại miệng núi lửa Gale ở trung tâm ngọn núi Aeolis Mons (cao 5.000 m tính từ đáy thung lũng) và tìm thấy rất nhiều đất sét bên trong các vết nứt đá bazan tại đây.