Với kích cỡ khoảng 1,7 lần Trái đất, hành tinh mang tên Proxima b quay quanh ngôi sao Proxima được xác định thuộc nhóm "hành tinh kích cỡ Trái đất".
Được phát hiện đã khá lâu nhờ kính viễn vọng HARPS của Đài Thiên văn Nam Âu, nhưng mãi đến nay, nhờ vào một thiết bị quan sát hiện đại hơn là máy quang phổ ESPRESSO, Proxima b mới lộ diện là một mục tiêu đầy hứa hẹn cho sự săn tìm sự sống ngoài Trái đất.
Ảnh đồ họa mô tả "bản sao Trái đất" Proxima b - (ảnh: NASA).
Theo giáo sư Francesco Pepe từ Đại học Geneva (Thụy Sĩ), lãnh đạo nhóm nghiên cứu ESPRESSO, thiết bị mới này đã tạo ra các phép đo tốt hơn nhiều. Nhờ đó, họ đã có thể biết được thông tin quan trọng nhất: hành tinh cách chúng ta chỉ 4,2 năm ánh sáng này nhận được năng lượng từ ngôi sao mẹ của nó bằng với năng lượng Trái đất nhận từ Mặt trời!
Nó quay gần với sao mẹ Proxima hơn nhiều, nhưng Proxima vốn là một sao lùn đỏ yếu hơn Mặt trời nhiều lần, nhờ đó quỹ đạo chỉ 11,2 ngày vô tình lại giúp hành tinh lọt vào "vùng sự sống của hệ sao". Proxima b cũng là một hành tinh đá giống Trái đất, với khối lượng khoảng 1,3 lần so với hành tinh chúng ta.
Bài công bố mới đăng tải trên ariXv.com cho biết các yếu tố trên đã khiến giới khoa học có niềm tin rằng đó chính là một "Trái đất khác" có sự sống mà bấy lâu con người tìm kiếm. Nó có các điều kiện tuyệt vời cho sự sống và điều các nhà khoa học định làm là xác định xem sự sống đã phát triển trên bề mặt hay chưa.
Cản trở duy nhất cho sự sống trên Proxima b là bức xạ mà nó phải nhận từ sao mẹ gấp tới 400 lần Trái đất, có thể ảnh hưởng nặng đến quá trình tiến hóa của sự sống.