Phát hiện và chữa trị u xơ vòm mũi họng

U xơ vòm mũi họng là một khối u lành tính nhưng có khả năng lan rất rộng, phá hủy xương mạnh, làm suy giảm sức khỏe nhiều và nguy hiểm tới tính mạng người bệnh nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời.

Hình ảnh u xơ mạch máu vòm mũi họng (Ảnh: TTO)
Trước kia người bị u xơ vòm mũi họng được mô tả với bộ mặt khủng khiếp như nhãn cầu lồi ra khỏi hốc mắt, mũi nở rộng, má phồng lổn nhổn như đá cuội. Ngày nay chúng ta không còn thấy mức độ nặng nề như thế nữa vì bệnh đã được phát hiện sớm hơn.

U xơ vòm mũi họng là một bệnh lý phổ biến ở tuổi dậy thì, thường gặp ở nam giới, tuổi từ 15-25 ở nông thôn. Người ta cho rằng sự phát triển của u xơ vòm mũi họng liên quan tới nội tiết ở giai đoạn dậy thì.

Khối u xơ bám sát vào nền sọ vùng họng mũi và lách vào các cấu trúc lân cận tạo ra các chân bám vào vùng bướm sàng, chu vi cửa mũi sau, cánh trong chân bướm. Khối u chắc, có nhiều thùy, có cuống. Kích thước to nhỏ tùy thuộc vào thời gian xuất hiện bệnh đến lúc được phẫu thuật lấy bỏ khối u. Lấy khối u đem quan sát dưới kính hiển vi sẽ thấy trong khối u có rất nhiều mạch máu hoặc những hồ máu nằm rải rác cùng tổ chức xơ và hình thành một mạng lưới dưới niêm mạc bao bọc toàn bộ khối u.

Diễn biến của bệnh

Bệnh diễn biến âm thầm với biểu hiện ngạt tắc mũi một bên ngày càng tăng, giai đoạn muộn ngạt tắc mũi cả hai bên. Chảy nước mũi liên tục, nhiều lên dần với hai lỗ mũi ướt và đầy chất nhầy. Thỉnh thoảng chảy máu cam, lúc đầu có khả năng tự cầm, sau phải có can thiệp của các cơ sở y tế mới cầm được máu mũi. Đi cùng các triệu chứng này là dấu hiệu ù tai và nghe kém do khối u chèn ép vùng loa vòi tai. Người bệnh gầy xanh, mệt mỏi.

Khám hốc mũi thấy khối u màu hồng nằm bịt cửa mũi sau, khi phát triển lớn lấp đầy hốc mũi, khối u đẩy dồn làm hẹp hốc mũi bên đối diện. Khám họng và soi mũi sau thấy màn hầu phồng lên, bị đẩy dồn về phía trước và phía dưới hoặc quá to thòi xuống tận họng. Sờ nhẹ nhàng xem khối u cứng hay mềm, to hay nhỏ, có di động không.

Nếu để phát triển tự nhiên khối u sẽ lấp đầy hốc mũi, xoang hàm, xoang bướm, hốc mắt, phá vỡ hàm ếch, tiêu xương hàm trên và nổi phồng dưới da. Khối u chui vào nội sọ, tổn thương thần kinh nội sọ làm mù mắt, khó nuốt, không ngửi được. Bệnh nhân có khối u xơ vòm mũi họng không được điều trị sẽ tử vong vì chảy máu và biến chứng nội sọ gây tăng áp lực sọ não.

Chẩn đoán xác định được thực hiện qua thăm khám lâm sàng: Khối u màu hồng, xuất hiện ở cửa mũi sau của bệnh nhân nam giới tuổi từ 15-25, có chảy máu mũi cần được gửi tới cơ sở chuyên khoa tai mũi họng để chụp CT. Scanner và chụp mạch để có quyết định chính xác.

Xử trí bệnh

Phẫu thuật là phương pháp điều trị chủ yếu, nếu được phát hiện sớm khối u có thể mổ qua đường nội soi lấy bỏ, đường này không để lại vết sẹo cạnh mũi như phẫu thuật với khối u to. Trường hợp khối u quá to không còn chỉ định phẫu thuật có thể chỉ định tia xạ kết hợp với nội tiết tố giúp teo nhỏ khối u.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống, TTO
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video