Dân trí Trong khi các ghi chép khảo cổ học của châu Âu hầu như không cung cấp bằng chứng gì về việc phụ nữ ghi chép sách ở Thời Trung cổ, một nghiên cứu gần đây đã làm sáng tỏ “việc chế tạo liên quan đến giới tính” những bản thảo sơn son thiếp vàng.
Những hạt màu xanh được tìm thấy trong răng của một bộ xương cổ đại chôn tại một nghĩa trang ở Đức đã mang tới cho các nhà khoa học nhận thức về người đã làm ra những cuốn sách ở châu Âu thời Trung cổ.
Một đội nghiên cứu quốc tế công bố các phát hiện trên tạp chí Science, bộ hài cốt thuộc về một phụ nữ tuổi trung niên, theo đạo, rất có khả năng là một bà xơ. Các nhà khoa học đến từ một phòng thí nghiệm có trụ sở ở Đức đã xác định các hạt bí ẩn là ngọc lưu ly, một loại đá bán quý chỉ được khai thác ở Afghanistan và do đó được xem là cực kì hiếm và đắt đỏ ở châu Âu một nghìn năm trước.
Các nhà khoa học phát hiện hạt màu xanh được tìm thấy trong răng của một bộ xương cổ đại.
Ngọc lưu ly được dùng làm sắc tố trong nữ trang và đồ chạm khắc, nhưng điều khiến các nhà khoa học thấy thú vị là công dụng trang trí của nó trong các cuốn sách tôn giáo.
Nghiên cứu có viết: "Trong bối cảnh hội hoa trung cổ, việc ứng dụng màu xanh biển cực kì thuần khiết trong các tác phẩm sơn son thiếp vàng bị giới hạn trong những cuốn sách xa xỉ có giá trị với tầm quan trọng cao, và chỉ các học giả tôn giáo chuyên nghiệp và thợ sơn với kĩ năng xuất sắc, được tin tưởng mới có quyền sử dụng nó".
Phương pháp xác định niên đại bằng carbon phóng xạ tiết lộ sắc tố xanh biển được bảo tồn trong răng của bà xơ có niên đại từ thế kỉ 10-12. Đó là bằng chứng sớm nhất cho đến nay cho thấy các phụ nữ theo đạo ở Đức đã sử dụng vật liệu đó trong việc chế tạo các cuốn sách "sơn son thiếp vàng".
Dù các nhà khoa học không loại trừ khả năng bà xơ có thể đã tiếp xúc với vật liệu hiếm này qua việc hôn tranh, lời giải thích có khả năng nhất là bà ấy đã vẽ các cuốn sách tôn giáo hoặc chuẩn bị sắc tố này.
Người ta thường cho rằng các cuốn sách được làm và viết bởi các thầy tu chứ không phải các bà xơ, vì sách thời trung cổ có khá ít dấu hiệu của các nữ học giả tôn giáo. Tuy nhiên, phát hiện mới đã cung cấp bằng chứng cho thấy phụ nữ theo đạo không chỉ có học và còn "có một vai trò đặc biệt tích cực trong việc sản xuất sách".
Giáo sư Alison Beach đến từ Đại học Bang Ohio cho biết: "Nó như một "quả bom" cho lĩnh vực của tôi – rất hiếm khi tìm thấy bằng chứng vật chất về tác phẩm nghệ thuật và văn học của phụ nữ Thời Trung cổ. Vì các thứ về đàn ông được ghi chép kĩ càng hơn, nó khiến mọi người hình dung ra một thế giới của đàn ông. Phát hiện này giúp chúng ta sửa lại thành kiến đó. Chiếc rằng này mở ra một cánh cửa về các hoạt động mà phụ nữ cũng tham gia".