Mới đây, các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Phát triển Di truyền học thuộc ĐH Nam California (Mỹ) đã phát hiện virus Cytomegalo chính là thủ phạm gây ung thư tuyến nước bọt phổ biến nhất.
Nghiên cứu vừa được công bố trực tuyến trên tạp chí Experimental and Molecular Pathology hồi cuối tuần trước gồm một loạt các nghiên cứu của các nhà khoa học tại ĐH Nam California (USC) cùng chứng minh rằng, virus Cytomegalo (CMV) có thể kích hoạt ung thư trong các tế bào khoẻ mạnh, hoặc tấn công vào điểm yếu của các tế bào đột biến để hình thành khối u.
Em bé trong bụng mẹ bị nhiễm virus Cytomegalo sẽ gây ra dị tật bẩm sinh
Michael Melnick, GS phát triển di truyền học tại USC, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu kết luận CMV là một virus gây ung thư sau khi nghiên cứu khối u tuyến nước bọt ở cả người và chuột sơ sinh.
Việc phân loại CMV rất quan trọng đối với sức khoẻ. Tỷ lệ nhiễm loại virus này ở người rất cao, có thể gây bệnh nặng và tử vong ở những bệnh nhân bị tổn thương hệ miễn dịch và gây dị tật bẩm sinh khi phụ nữ mang thai tiếp xúc phải. Đối với người có hệ miễn dịch tốt, CMV sẽ không hoạt động mà cư trú trong nước bọt để đợi thời cơ.
Nghiên cứu không chỉ phát hiện ra mối liên hệ giữa CMV và bệnh ung thư biểu mô, loại phổ biến nhất của ung thư tuyến nước bọt mà còn xác định được cách thức gây bệnh của virus.
Ung thư tuyến nước bọt thường chỉ được phát hiện ở giai đoạn cuối. Việc tiến hành phẫu thuật sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh vì khu vực ung thư gần mặt.
Kết quả nghiên cứu mang lại hy vọng cho phương pháp phòng ngừa và điều trị mới hiệu quả, giống như biện pháp giảm thiểu virus u nhú (HPV) ở người sau khi xác định virus này liên quan đến ung thư tử cung.