Phát lộ con đường cổ dưới lòng đất Mỹ Sơn

Một con đường cổ được cho là con đường bí ẩn nằm dưới lòng đất lần đầu tiên được tìm thấy ở thánh địa Mỹ Sơn.

Vừa qua, Ban quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn phối hợp với đoàn công tác của Viện Khảo cổ học thăm dò, phát hiện một con đường nằm dưới lòng đất, bắt đầu từ tháp K đi vào trung tâm thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam) ở thế kỷ XII. Đây là lần đầu giới nghiên cứu khảo cổ - lịch sử trong nước và quốc tế biết đến con đường này.

Bí ẩn con đường “thần đạo”


Dấu tích bức tường bao nằm dưới lòng đất vừa được phát lộ. (Ảnh: MS).

Trong 30 ngày làm nhiệm vụ, đoàn công tác của Viện Khảo cổ học đã khai quật thăm dò ở hai hướng phía đông và phía tây khu tháp K. Những bí ẩn dưới lòng đất Khu di tích Mỹ Sơn dần được hé lộ, một con đường nối từ tháp K vào các tháp chính, hy vọng sẽ được phát lộ hoàn toàn trong thời gian tới.

Cụ thể, khu vực phía đông cổng tháp K đã mở hai hố thăm dò, bước đầu phát hiện hai dấu tích tường bao phía bắc và phía nam của đường đi chạy dọc theo hướng đông - tây, khu vực phía tây của tháp cổng mở ba hố thăm dò phát hiện dấu tích móng đầm đường đi thẳng vào tháp cổng (tháp K).

Khu vực xung quanh tháp K, nơi tổ chức thăm dò là rừng cây rậm rạp nhưng lại có không gian khá bằng phẳng, thoáng đãng. Hiện nay dù con đường đã bị bồi lấp sâu dưới đất nhưng có thể thấy xuyên suốt con đường, mặt đất bằng phẳng hơn con đường đang phục vụ du khách.

Theo TS Nguyễn Ngọc Quý, người chủ trì công tác khai quật, con đường này có thể là con đường “thần đạo” - đường đi của các vị thần Ấn Độ giáo, hay con đường “Hoàng gia” - con đường dành cho các vị vua chúa và tăng lữ Chămpa đi vào cúng tế các vị thần của họ hoặc có thể đây là con đường dẫn vào thánh địa Mỹ Sơn (cách gọi ngày nay).

Ông Lê Văn Minh, Trưởng phòng Bảo tồn Ban quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn, cho biết phía ngoài dãy tường đất chặt hơn. Có thể hình dung qua nhiều thế kỷ, đất từ trên cao chảy xuống, khi bồi lấp hoàn toàn bên ngoài mới tràn qua bức tường, tiếp tục bồi lấp con đường “thần đạo”.

“Con đường chưa biết giới hạn đến đâu nhưng hướng tuyến cho thấy đi theo dãy đất bằng phẳng. Nếu cứ theo hướng vừa phát lộ, con đường “thần đạo” này đi thẳng vào nhóm tháp trung tâm” - ông Minh nói.

Quá trình phát lộ, đoàn công tác của Viện Khảo cổ học phát hiện thêm một số mảnh vỡ của những vật dùng cho việc cúng tế như chén, ly, tách… Ngoài cấu trúc, những hiện vật này còn có giá trị giúp làm sáng tỏ thêm một phần lịch sử.

Dãy tường bao con đường được xây dựng bằng cách xây/xếp gạch thành hàng đôi ở hai bên, phần giữa nhồi thêm gạch vỡ. Tường có móng dưới to, thu nhỏ dần lên mặt trên. Tường xây khá thấp, có lẽ để phân chia giới hạn không gian phía trong và ngoài trong cùng một không gian thiêng của di tích.

Con đường dành cho các vị thần, vua chúa

Theo ông Minh, người Chăm ảnh hưởng bởi văn hóa Ấn Độ, xã hội phân chia đẳng cấp. Thánh địa Mỹ Sơn là không gian thiêng cho các tầng lớp. Do đó, con đường này được phỏng đoán là chỉ dành cho tầng lớp cao nhất, các tầng lớp thấp hơn sẽ đi đường khác.

“Đây có thể là con đường hành hương của người Chăm xưa từ kinh đô Trà Kiệu về Mỹ Sơn. Họ đi qua tháp cổng (tháp K) vào bên trong. Khi chúng tôi khai quật, ngoài dãy tường bao con đường “thần đạo”, nền đất cũng được nện chặt, có lẽ là con đường phụ dành cho tầng lớp thấp hơn” - ông Minh dự đoán.

TS Quý cho hay những vết tích kiến trúc đường dẫn này chỉ mới được đặt vấn đề trong vài năm gần đây và được xác định chính xác trong đợt thăm dò vừa qua. Đoàn thăm dò ghi nhận kiến trúc này đã bị phá hủy từ lâu, đã bị vùi lấp bên dưới một lớp đất rừng khá dày.


Đoàn khảo cổ phát hiện con đường “thần đạo”dưới lòng đất thánh địa Mỹ Sơn. (Ảnh: MS).

“Công tác thăm dò khảo cổ mới chỉ được thực hiện trong một diện tích rất khiêm tốn, chỉ với 20m2, do vậy chưa thể làm rõ niên đại cụ thể của di tích. Tuy nhiên, qua mối liên quan của phế tích đường dẫn với tháp K có thể bước đầu nhận định đường dẫn có niên đại thế kỷ XII, tương đương với niên đại tháp K” - TS Quý nhận định.

Theo TS Quý, kết quả thăm dò khảo cổ ở khu vực quanh tháp K đã làm phát lộ những vết tích của những công trình kiến trúc chưa từng được biết đến ở Mỹ Sơn trong lịch sử tồn tại của di tích từ trước đến nay.

“Việc nghiên cứu khảo cổ về hệ thống phế tích kiến trúc đường đi ở khu vực quanh tháp K nhằm làm rõ sự hiện diện của con đường “Hoàng gia” đi vào thánh địa Mỹ Sơn của người Chăm xưa là một việc làm rất cần thiết. Hoàn thành công việc sẽ đóng góp thêm những tư liệu mới góp phần nhận thức toàn diện hơn về không gian văn hóa - lịch sử - kiến trúc Mỹ Sơn” - TS Quý nhìn nhận.

Chúng tôi đề xuất Ban quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn trình UBND huyện Duy Xuyên và các cơ quan chức năng xem xét, phê duyệt tiếp tục thực hiện nhiệm vụ “Thăm dò, khai quật khảo cổ học phế tích kiến trúc đường dẫn ở phía đông tháp K - Mỹ Sơn” trong năm 2023; đồng thời đồng ý chủ trương đầu tư dự án “Khai quật nghiên cứu khảo cổ học kiến trúc đường dẫn vào thánh địa Mỹ Sơn” dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2024-2026, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quý cho biết.
Cập nhật: 29/08/2023 Tiền Phong
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video