Phi công vụ nổ phi thuyền: "Tôi sống sót nhờ phép màu"

Bị thương nghiêm trọng khi thoát ra khỏi phi thuyền vũ trụ SpaceShipTwo, Peter Siebold cố gắng tận dụng sự tỉnh táo còn lại để giơ ngón tay cái báo hiệu mình vẫn ổn.

>>> Điều tra phi thuyền vỡ nát trên sa mạc

Mike Alsbury và Peter Siebold ngồi trong ghế lái, mặc bộ đồ bay mỏng, đeo mặt nạ dưỡng khí và mang theo dù khẩn cấp khi phi thuyền SpaceShipTwo (SS2) được tách ra từ máy bay chở WhiteKnightTwo, vào khoảng 10 giờ sáng ngày 31/10. Chịu tác động từ lực hấp dẫn khi phi thuyền đang lao nhanh ở vận tốc 1.500km/h, họ được kẹp chặt trong chiếc ghế lái.

Tuy nhiên, chỉ sau đó ít phút, thảm họa đã xảy ra. Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy bộ phận cánh gấp của SS2, vốn được thiết kế để làm chậm lại và duy trì tốc độ an toàn khi hạ cánh, đã được triển khai sớm. Điều đó khiến con tàu nứt vỡ dưới tác động của nhiễu động xung quanh.


Mike Alsbury (phải) và Peter Siebold, hai phi công trên chuyến bay thử tàu SpaceShipTwo hôm 31/10. (Ảnh: AP)

Mike bị kẹt trong buồng lái và thiệt mạng. Trong khi Peter, bằng cách nào đó đã tháo được dây an toàn, nhảy dù ra ngoài và thoát nạn khi lao xuống với tốc độ 193km/h. Chiếc dù khẩn cấp bung ra ở độ cao khoảng 6.000 m, tuy nhiên không rõ là nó được Peter tháo dây hay mở tự động. Đây là loại dù có chức năng tự động mở ở độ cao nhất định, phòng khi phi công trở nên vô thức trong trường hợp nguy hiểm. Sự giảm sức ép bất ngờ và lực G mạnh khiến phi công bị mất ý thức trong vài giây.

"Tôi không thể nhớ được bất cứ điều gì đã xảy ra nhưng chắc hẳn tôi đã cố gắng để hồi phục lại trong lúc rơi. Tôi nhớ mình đã chào chiếc máy bay đang đuổi theo và giơ ngón tay cái lên để nói với họ rằng tôi vẫn ổn. Tôi biết rằng đó là một phép màu khi tôi vẫn sống sót", Peter Siebold, kể lại.

Sau vụ tai nạn, anh trở về nhà ở thành phố Tehachapi, bang California. Klaus Siebold cho biết dù bị thương nặng, bao gồm chấn thương ở vai, con trai ông đang phục hồi tinh thần khá tốt.

"Peter không biết là đã làm cách nào để thoát ra khỏi con tàu. Cả hai đều không có ghế phóng (loại ghế có thể cứu phi công trong tình huống khẩn cấp). Họ chỉ có một lối thoát và phải bò về phía lỗ thoát để nhảy ra ngoài. Thế nhưng, chiếc máy bay đột ngột nứt vỡ", Klaus, một cựu phi công, cho biết.

Sau tai nạn, Peter đang dần phục hồi sức khỏe và được chăm sóc tại nhà. Anh bị thương ở vai phải, ảnh hưởng ở phần xương sườn, phổi và gặp vấn đề về mắt. Theo Klaus, quả là một phép lạ khi con trai ông vẫn sống sót trong điều kiện thiếu oxy, nhiệt độ không phù hợp và tổn thương do thay đổi áp lực đột ngột.


SpaceShipTwo trong quá trình phóng, tách ra từ máy bay chở WhiteKnightTwo và phát nổ. (Ảnh: AP)

Trên sa mạc Mojave, bang California, hai mảnh lớn của thân tàu vỡ nát trên mặt đất. Thi thể của Mike được tìm thấy trong đống đổ nát với chiếc dù chưa mở.

"Các con của Mike và cháu của tôi đều dõi theo chuyến bay thử nghiệm đó, vì vậy mà tác động tâm lý của sự việc này thật khủng khiếp. Mike là người bạn và cũng là hàng xóm của chúng tôi. Peter đã luôn tự hỏi mình rằng liệu khi nó có thể làm gì hơn được hay không, và tại sao nó có thể thoát trong khi Mike thì không", Klaus nói.

Sau vụ việc, quá trình điều tra nguyên nhân nổ phi thuyền SpaceShipTwo đang được tiến hành và dự kiến sẽ hoàn tất trong khoảng một năm. Vì đây là một chuyến bay thử nghiệm, nên các dữ liệu được lưu trữ nhiều hơn so với những chuyến bay thông thường. 6 camera được đặt tên tàu có thể cung cấp dữ liệu và bằng chứng quan trọng.

Vụ tai nạn của SS2 là một bước lùi lớn đối với tham vọng đưa con người lên rìa không gian, ở độ cao khoảng 100 km, với giá vé 250.000 USD mỗi chuyến.

Theo Vnexpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video