Phòng ngừa nhiễm độc thai nghén như thế nào?

Nhiễm độc thai nghén là một chứng bệnh phát sinh trong thời kỳ thai nghén. Nhiễm độc thai nghén ở 3 tháng đầu, thai phụ có biểu hiện nghén nặng, ở thời kỳ cuối thai nghén (3 tháng cuối) thai phụ có triệu chứng phù, tăng huyết áp, protein niệu...

Máy theo dõi thai sản ở Bệnh viện Kim Sơn - Ninh Bình (Ảnh: Hữu Linh)

Nhiễm độc thai nghén nếu không được điều trị có thể dẫn tới tiền sản giật, sản giật. Ở sản phụ có nhiễm độc thai nghén thì trẻ sơ sinh thường bị ngạt khi đẻ.

Những ai dễ bị nhiễm độc thai nghén?

Những thai phụ có tiền sử bệnh tim mạch, tăng huyết áp, viêm cầu thận, thai phụ to béo, mang thai đôi, nhiều nước ối, có bệnh tiểu đường...

Triệu chứng nhiễm độc thai nghén

Phù: Phù 2 chi dưới, thường xuất hiện nhất là 3 tháng cuối của thai nghén. Phát hiện bằng cách ấn ngón tay vào mắt cá chân có dấu hiệu lõm của ngón tay, phù nặng thì có thể phù ở cả mặt và hai tay. Những thai phụ bị phù do thai nghén chèn ép thì chỉ cần nằm nghỉ ngơi, gác cao chân sẽ hết phù. Còn ở nhiễm độc thai nghén thì phù ở chân không giảm sau nghỉ ngơi. Cân nặng tăng nhanh tới 500g mỗi tuần là do hiện tượng giữ nước trong cơ thể.

Xét nghiệm protein niệu nếu lớn hơn 0,3g/l là không bình thường, cần theo dõi nhiễm độc thai nghén.

Tăng huyết áp: Thai phụ có nhiễm độc thai nghén, ở thời kỳ cuối của thai nghén huyết áp tối đa tăng lên khoảng 30mmHg và huyết áp tối thiểu tăng khoảng 15mmHg so với trước khi có thai hoặc có huyết áp trên 140/90mmHg thì cần theo dõi và điều trị nhiễm độc thai nghén.

Biến chứng của nhiễm độc thai nghén: Nhiễm độc thai nghén nếu không được điều trị tốt sẽ dẫn đến tiền sản giật và sản giật.

- Tiền sản giật: Biểu hiện sản phụ choáng váng, có hiện tượng mắt mờ, có khi buồn nôn, nước tiểu có protein tăng đến 0,5g/l, phù không giảm mà nặng hơn và nước tiểu ít hơn nhưng chưa có cơn giật, nếu huyết áp trên 160/100mmHg mà điều trị không giảm phải xử trí lấy thai ra ngay nếu không có thể dẫn đến cơn sản giật.

- Sản giật: Thường xảy ra ở thời kỳ cuối của thai nghén, trong khi chuyển dạ và sau đẻ. Sản phụ lên cơn giật và hôn mê, có kèm theo phù, tăng huyết áp, protein niệu. Thường xảy ra ở thai phụ mang thai con so nhiều hơn con rạ, và thường xảy ra từ tuần thứ 30 trở đi.

- Biểu hiện của sản giật: Là co giật mạnh, mắt đảo rồi giật toàn cơ thể co cứng, đầu ưỡn ra sau, mắt đảo lên trên, rồi ngừng thở và chuyển rất nhanh sang giật run, co giật ở mặt, giật mạnh ở tay chân, có thể cắn phải lưỡi và sùi bọt mép, mặt xanh tái rồi chuyển thành xám xịt trông dễ sợ, sau đó co giật giảm dần, tiếp đó sản phụ bị hôn mê rồi thở rống lên. Mạch nhanh, cơn co tăng lên khi giật, những cơn giật khác tiếp theo. Nếu không được xử trí thì dẫn đến suy tim, phù phổi và chảy máu não dẫn đến tử vong.

- Đối với sản giật trước đẻ: Những cơn giật có thể dẫn đến đẻ non, thai nhi thường chết. Nếu được điều trị tốt sản phụ có thể chuyển dạ đẻ thường và thai nhi sống.

- Đối với sản giật trong khi chuyển dạ: Cơn giật làm cơn co tử cung mạnh, vì vậy đối với sản phụ có cổ tử cung mở chậm phải xử trí mổ lấy thai ngay.

- Sản giật sau đẻ: Thường nhẹ hơn, cơn giật thường xảy ra vài giờ sau đẻ. Vì vậy đối với sản phụ sinh tại trạm y tế có cơn giật cần phải theo dõi từng cơn giật, đo huyết áp và thử nước tiểu thường xuyên và cần phải cấp cứu nhanh chóng, đồng thời chuyển ngay bệnh nhân đến bệnh viện có chuyên khoa sản để điều trị.

- Đề phòng sản giật: Cần theo dõi, quản lý thai nghén tốt. Trong khi có thai cần chú ý ăn đủ chất dinh dưỡng một cách hợp lý (đường, đạm, vitamin, các chất vi lượng, uống bổ sung viên sắt, axid folic...). Chú ý đi khám thai định kỳ, nếu thấy phù cần đi khám thai ngay dù chưa đến hẹn để kiểm tra huyết áp cũng như xét nghiệm nước tiểu. Nếu tại trạm y tế phát hiện sản phụ có phù, tăng huyết áp, protein niệu phải kịp thời chuyển bệnh nhân đến bệnh viện có chuyên khoa sản để điều trị và sinh đẻ cho an toàn.

Nếu sản phụ lên cơn giật cần xử trí như sau:

Dùng một cái nẹp dài hoặc một que to bản như cái đè lưỡi cuốn băng ở bên ngoài để ngáng miệng đề phòng sản phụ trong cơn sản giật cắn vào lưỡi. Nếu mùa đông, cần giữ ấm cho sản phụ. Tiêm ngay một trong các thuốc an thần như morphin 0,01mg x 1 ống, nếu không có morphin có thể thay thế bằng các thuốc như bacbituric, seduxen và nhanh chóng chuyển sản phụ lên bệnh viện có chuyên khoa sản.

Chú ý: Những sản phụ có lên cơn giật thì phải đề phòng chảy máu nhiều sau đẻ.

Nhiễm độc thai nghén không được điều trị theo dõi có thể dẫn đến tiền sản giật và sản giật. Những thai phụ ở tháng thứ 7 hoặc tuần thứ 30 mà huyết áp tối đa tăng thêm 30mmHg và huyết áp tối thiểu tăng thêm 15mmHg so với trước khi có thai và những thai phụ có huyết áp trên 140/90mmHg thì phải được theo dõi và điều trị ngay để phòng tránh sản giật.

Theo Sức khỏe & đời sống, Tuổi trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video