Phong trào diệt giặc dốt 70 năm trước

Để học chữ, người dân mang theo đèn dầu hoặc đốt đuốc đi học ban đêm, học viên là những em bé, cụ già râu tóc bạc phơ hay người phụ nữ vừa đánh vần vừa ngại ngùng cho con bú.

Phong trào diệt giặc dốt trong thời kỳ mới

Sau ngày 2/9/1945, chính quyền nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đối mặt với nhiều khó khăn, nạn đói, nạn dốt, nạn ngoại xâm bủa vây tứ phía. Đặc biệt, có đến 95% dân số không biết chữ. Cứ trong 100 người dân thì có 3 trẻ em từ 8 đến 16 tuổi được đi học và 2 người lớn biết chữ, còn 95 người không được đi học. Nếu đi sâu vào các làng mạc, các thôn xóm xa thành thị và nhất là vùng núi thì có nơi không một người biết chữ.

Một ngày sau khi giành được độc lập, trong buổi họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương mở chiến dịch chống nạn mù chữ, tiêu diệt giặc dốt, coi đó là nhiệm vụ cấp bách thứ hai trong 6 nhiệm vụ cấp bách của chính quyền. Hồ Chủ tịch nói "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu" và nhấn mạnh "Dốt là dại, dại thì hèn. Vì vậy, không chịu dại, không chịu hèn, cho nên thanh toán nạn mù chữ là một trong những việc cấp bách và quan trọng của nhân dân các nước dân chủ mới".


Người dân đứng ngay tại bến đò, bến sông để học chữ.(Ảnh tư liệu.)

Ngày 8/9/1945, Nha Bình dân học vụ ra đời, nằm trong Bộ Quốc gia giáo dục. Cùng ngày, Sắc lệnh số 19 - SL hạn trong 6 tháng làng nào, thị trấn nào cũng phải có ít nhất một lớp học bình dân và Sắc lệnh số 20 – SL cưỡng bách học chữ quốc ngữ trong toàn quốc được ban hành.

Một ngày sau khi thành lập, để xác định cách tổ chức và hoạt động cho phong trào, Nha Bình dân học vụ liên tiếp tổ chức các lớp huấn luyện ở Hà Nội và các miền. Lớp học đầu tiên dành cho cán bộ phụ trách ở các tỉnh mang tên "khóa Hồ Chí Minh" khai giảng ở Hà Nội, có sự tham dự của Hồ Chủ tịch và lãnh đạo các bộ. Những người đầu tiên dự lớp học này chính là nguồn cán bộ nền móng cho phong trào xóa mù chữ. Riêng ở miền Nam, ngay sau khi Bình dân học vụ thành lập được nửa tháng thì thực dân Pháp quay lại xâm chiếm. Dù Nha có cử một số cán bộ vào để gây dựng cơ sở, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên phong trào ở đây không được duy trì đều đặn, mạnh mẽ như ở Bắc, Trung Bộ.

Bình dân học vụ đã dấy lên tinh thần say mê học chữ từ Bắc chí Nam, từ đồng bằng đến miền núi. Trước đó, hoạt động của Hội truyền bá chữ quốc ngữ đã để lại cho phong trào nhiều kinh nghiệm cũng như lực lượng trí thức tình nguyện tham gia dạy học cho nhân dân. Công nhân học trong xưởng thợ, thương binh học ở an dưỡng đường, ngư dân học ngay trên thuyền chài, nông dân học trên cánh đồng, sân đình chùa, gốc đa, bến nước, trẻ nhỏ học trên lưng trâu. Người dân ban ngày đi làm, ban đêm thắp đèn dầu, đốt đuốc đến lớp.

Giáo viên bình dân học vụ thuộc đủ các giới, lứa tuổi, không có lương bổng, hễ biết chữ là tham gia. Họ dạy học, dựng trường, tạo lớp, tìm kiếm học phẩm, cổ động học viên. Có lớp có giáo viên, nhưng có lớp giao cho người trong nhà dạy lẫn nhau, chồng dạy vợ, con dạy mẹ, anh chị dạy em. Cách dạy cũng được cải biên cho phù hợp với tình hình dân trí lúc bấy giờ, đó là đọc lên thành tiếng, chữ cái, vần được tạo thành câu thơ lục bát, so sánh để dễ nhớ: I, tờ ( i, t) giống móc cả hai/ I ngắn có chấm, tờ dài có ngang. O tròn như quả trứng gà/ Ô thì đội mũ, Ơ thời thêm râu.

Dụng cụ học tập thiếu thốn, người học dùng chõng tre, cánh cửa làm bàn; bảng viết là bức tường, cánh cửa, tấm phản dựng lên; phấn là gạch non, đất sét, than củi; lá chuối khô, mo cau thay giấy; còn mực thì dùng bất cứ hoa, cây có thể làm màu.


Ông Nguyễn Thìn Xuân, nguyên cán bộ Nha Bình dân học vụ. (Ảnh: H.P.)

"Bàn không có, người ta còn úp ngược thúng lên làm bàn học. Vở ghi không có, người dân rải cát ra sân, cầm que tập viết chữ, viết xong rồi xóa lại học viết chữ khác", ông Nguyễn Thìn Xuân (90 tuổi), Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chiến sĩ diệt dốt, cán bộ của Nha Bình dân học vụ kể lại kỷ niệm những ngày toàn dân đi học.

Ông Xuân nhớ rõ một kỷ niệm vui mà nhiều người vẫn truyền cho nhau nghe. Để kiểm tra việc học chữ của người đi học, ban kiểm tra thường đứng ở đầu làng, bến phà, nơi đông người qua lại. Ai đọc được chữ thì mới được đi qua. Có lần, Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên đi xem tình hình các lớp bình dân học vụ. Người của đội kiểm tra không biết bộ trưởng, kiên quyết giữ ông lại hỏi xem thuộc chữ hay chưa. Cần vụ định nhắc nhở người thanh niên kia, nhưng Bộ trưởng Huyên chỉ cười ngăn lại, trả lời trôi chảy rồi mới đi qua.

Ở mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử đất nước, Bình dân học vụ lại có những nhiệm vụ khác nhau. Sau ngày độc lập, Bình dân học vụ có nhiệm vụ xây dựng và phát triển phong trào, dạy cho nhân dân biết chữ. Chỉ trong một năm, từ tháng 8/1945 đến tháng 8/1946, Bình dân học vụ đã dạy cho hơn 2,5 triệu người biết chữ, phát triển được gần 96.000 giáo viên, mở được gần 75.000 lớp học.

Tháng 12/1946, cả nước bước vào kháng chiến chống Pháp, Chính phủ chuyển lên Việt Bắc. Theo chủ trương kháng chiến, Bình dân học vụ cũng phải ấn định kế hoạch làm việc mới, sửa đổi cho phù hợp với tình hình. Các lớp học đi theo đồng bào tản cư kháng chiến, theo các đoàn dân công tiếp vận. Những lớp học kháng chiến đã đi vào trong thơ của Tố Hữu một cách tự nhiên Nhớ sao lớp học i tờ/ Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan...(Việt Bắc).

Ở vùng tạm chiếm, các lớp học được tổ chức khác so với vùng tự do, thường là những lớp học tư gia, không có bàn ghế, bảng, phấn. Thầy trò ngồi xung quanh cái phản hay chiếu, mỗi người có một ống tre để đựng sách. Ở ngoài có tự vệ canh gác, hễ có báo động thì sách vở cuộn bỏ vào ống tre đem giấu ở ngoài bờ tre rồi thầy trò quay ra làm như trong một xưởng thủ công nghiệp nhỏ. Cứ như vậy, Bình dân học vụ vẫn giữ được ở nhiều vùng bị địch tạm chiếm, mạnh nhất là Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế…


Chủ tịch Hồ Chí Minh kiểm tra công tác Bình dân học vụ tại Thái Bình, Hà Tĩnh. (Ảnh tư liệu.)

Là người khai sinh ra ngành học bình dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dõi theo từng bước đi của phong trào. Người luôn động viên, thăm hỏi kịp thời giáo viên, những cụ già, em bé chăm chỉ đến lớp. Trong sự nghiệp giáo dục nói chung, Hồ Chủ tịch luôn quan tâm đến hiệu quả cuối cùng của việc dạy và học để sau này tổng kết thành câu nói "Vì lợi ích 10 năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người".

Theo ông Nguyễn Thìn Xuân, Bình dân học vụ đã để lại cho nền giáo dục nước nhà nhiều bài học quý báu. Phong trào phát triển rộng khắp, có sức sống lâu bền cả trong suốt thời kỳ kháng chiến vì được "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Bình dân học vụ do Chính phủ lãnh đạo nhưng cách tổ chức và hoạt động của phải dựa vào sức của nhân dân để phát triển.

"Bình dân học vụ không chỉ xóa nạn mù chữ trong nhân dân, còn giúp người dân có ý thức về quyền lợi và bổn phận của công dân một nước động lập, đó là ngoài được tự do thì còn phải được học hành, mở mang kiến thức. Phong trào góp thành tích lớn, là cơ sở để nâng cao dân trí nước nhà, cùng với nhiều yếu tố khác làm nên sức mạnh đưa dân tộc bước qua hai cuộc trường chinh kháng chiến", ông Xuân nói.

Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video