Phòng và xử trí ngộ độc thức ăn

Sau khi ăn hay uống một thực phẩm bị nhiễm độc, người bệnh đột ngột có những triệu chứng: buồn nôn và nôn ngay, có khi nôn cả ra máu, đau bụng, đi ngoài nhiều lần (phân nước, có thể lẫn máu), có thể không sốt hoặc sốt cao trên 38oC.

Nguyên nhân gây ngộ độc thức ăn

Chăm sóc bệnh nhân ngộ độc thức ăn tại Khoa chống độc - Bệnh viện Bạch Mai
Có 3 nguyên nhân chính gây ngộ độc hay gặp, đó là do hóa chất bảo quản thực phẩm (thuốc trừ sâu, hóa chất chống sâu mọt...), do hóa chất dùng trong trong chế biến thực phẩm (ví dụ phẩm màu trong các loại bánh, xôi, rượu...) và do các vi sinh vật.

Tại các khoa hồi sức cấp cứu, các ca ngộ độc được đưa vào cấp cứu còn có thể là do thức ăn và nước uống bị nhiễm chất độc như: kim loại (asen, kẽm, chì...), các chất hữu cơ, các thuốc diệt côn trùng, vật hại (rau quả bị dính các hóa chất trừ sâu, chất bảo quản chống thối rữa).

Bên cạnh đó còn có các siêu vi khuẩn, độc tố của chúng tiết ra, các nấm độc có trong thực phẩm, các chất độc có tự nhiên trong rau, quả, thịt như: nấm độc, lá ngón, cá độc, cà độc dược, gan cóc, trứng cóc, vỏ sắn, mật cá trắm, nọc rắn, nọc ong...

Cách nhận biết một người bị ngộ độc thức ăn

Sau khi ăn hay uống một thực phẩm bị nhiễm độc (sau vài phút, vài giờ, thậm chí có thể sau một ngày), người bệnh đột ngột có những triệu chứng: buồn nôn và nôn ngay, có khi nôn cả ra máu, đau bụng, đi ngoài nhiều lần (phân nước, có thể lẫn máu), có thể không sốt hoặc sốt cao trên 38oC.

Ở người cao tuổi và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, các triệu chứng này thường nặng. Nếu nôn nhiều lần và đi ngoài nhiều lần, người bệnh sẽ dễ bị mất nước, mất chất điện giải dẫn đến bị trụy tim mạch và sốc. Vì thế phải rất lưu ý đến những dấu hiệu mất nước, nhất là đối với những người nôn nhiều trên 5 lần và đi ngoài phân lỏng trên 5 lần, sốt cao, miệng khô, môi khô, mắt trũng, khát nước (cần lưu ý: người già hay bị nặng lại không kêu khát do tuổi cao bị mất cảm giác khát), mạch nhanh, thở nhanh sâu, mệt lả, hay co giật, nước tiểu ít, sẫm màu.

Xử trí thế nào?

Trước một người có biểu hiện ngộ độc, nếu còn tỉnh táo cần làm cho chất độc lẫn trong thức ăn đào thải ra ngoài càng nhanh càng tốt, bằng cách dùng hai ngón tay để ngoáy họng hay dùng một thìa nhỏ hoặc tăm pon đưa vào gốc lưỡi (cẩn thận tránh làm xây sát miệng) để gây nôn. Khi bệnh nhân nôn, để đầu cúi thấp hơn ngực, tránh bị sặc vào phổi.

Trong trường hợp nếu biết chất độc là dầu hỏa, xăng, hóa chất trừ sâu, thuốc chuột... thì không nên gây nôn vì gây nôn sẽ có thể làm bệnh nhân hít chất độc vào phổi hoặc lên cơn co giật khi đang nôn mà nhanh chóng cho nạn nhân uống than hoạt tính 20-30g nếu là người lớn, 5-10g đối với trẻ em.

Than hoạt tính có tác dụng gắn giữ các chất độc không cho thấm vào máu. Tiếp đó cho sulfate magnesium, sorbitol để tống chất độc và than hoạt qua đường phân. Phải cho bệnh nhân uống nhiều nước để than hoạt dễ dàng đi ra ngoài. Lúc này bệnh nhân bị mất nước nghiêm trọng, nên cần bù nước và điện giải cho bệnh nhân bằng cách cho uống dung dịch oresol hoặc nước cháo, nước cam, nước dừa, nhất là sau mỗi lần nôn hay đi ngoài.

Tiếp tục cho bệnh nhân ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu, nếu là trẻ nhỏ thì vẫn cho trẻ bú như bình thường. Nếu thấy bệnh nhân mất nước nặng, ly bì, sốt cao, hay phân có máu thì phải đưa đến bệnh viện để được truyền và điều trị kịp thời.

Phòng ngộ độc thức ăn

Thực phẩm dùng để làm thức ăn phải được chọn lựa cẩn thận, phải tươi, không dập nát (Ảnh: nld)
Để phòng ngộ độc, mọi người cần có ý thức giữ gìn vệ sinh trong ăn uống, trong chế biến và kinh doanh thực phẩm. Hãy thực hiện tốt 8 điều sau:

- Nên tìm hiểu kỹ những cây rau, các loại nấm, cá để phân biệt được loại không độc và loại độc. Tuyệt đối không ăn những thức ăn lạ.

- Thực phẩm dùng để làm thức ăn phải được chọn lựa cẩn thận, phải tươi, không dập nát. Không ăn cá ươn, không hái nấm ở dọc đường hay trong rừng để ăn.

- Chuẩn bị thức ăn kỹ càng: nấu chín, đun sôi, bỏ những phần nghi là gây độc (bỏ vỏ sắn và ngâm nước trước khi luộc; bỏ da, đầu, ruột, mật cá trước khi nấu...).

- Giữ sạch bát, đĩa, xoong nồi đựng thức ăn. Thức ăn nấu chín nên ăn ngay. Thức ăn không ăn hết cần đun lại rồi mới cất giữ trong tủ lạnh. Khi ăn lại vẫn phải đem đun sôi rồi mới ăn.

- Diệt ruồi, gián, chuột... Tuyệt đối không để chúng tiếp xúc với thức ăn.

- Quả, rau sống phải rửa sạch, ngâm và gọt vỏ rồi mới ăn.

- Không uống mật cá trắm, trôi, chép với mục đích chữa bệnh. Tuyệt đối không ăn cá nóc. Không uống bia rượu nấu lậu.

- Rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi ăn hay khi chuẩn bị chế biến thức ăn.

Theo Sức khỏe & đời sống
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video