Phụ kiện thông minh giúp người mặc chống quấy rối tình dục

Quần áo, dây chuyền, nhẫn có gắn chuông báo động, định vị GPS và camera quay lại bằng chứng của vụ tấn công hay quấy rối tình dục.

Alexandra Ceranek 48 tuổi ở Đức, chia sẻ đã may mắn thoát khỏi một vụ tấn công tình dục nhờ chiếc quần short có gắn chuông báo động. Hai kẻ tấn công cô đã bỏ chạy khi tiếng chuông vang lên.

Sandra Seilz, người sáng lập Công ty Safe Shorts cho biết bà cho ra đời loại quần gắn chuông này do một lần bị tấn công tình dục. Chiếc quần được thiết kế với khả năng chống lại lực kéo tụt. Quần có một ổ khóa số mà chỉ người mặc mới mở được. Chuông báo động kích hoạt khi ai đó tìm cách dùng lực kéo tụt chiếc quần xuống. Giá của quần báo động từ 2,6 đến 3,4 triệu đồng.


Chiếc quần được thiết kế ổ khóa chống lại lực kéo tụt và chuông báo động khi chủ nhân gặp nguy hiểm. (Ảnh: WT).

Tấn công hay quấy rối tình dục có thể xảy ra với tất cả phụ nữ trên thế giới. Một số công ty phát triển các thiết bị, phụ kiện nhằm ngăn ngừa tình trạng này và báo động cho người thân của nạn nhân. Nhà phân tích Rishi Kaul, cho biết nhiều thiết bị cho phép người dùng chỉ cần nhấn nút báo động và vị trí của họ sẽ được gửi đến các số điện thoại liên lạc đã chọn trước.

Trong đó, chiếc vòng tay có tên Onee được chế tạo bởi các kỹ sư Trường kinh doanh Harvard, Mỹ và bán theo cặp giúp hai người đeo có thể xác định vị trí của nhau. Trước khi kích hoạt, người đeo đồng bộ hóa thiết bị của mình với vòng đeo tay của người còn lại thông qua một phần mềm. Người đeo chiếc vòng chạm vào lần một có nghĩa là an toàn, chạm lần hai nghĩa là nguy hiểm và cần sự trợ giúp.

Công ty Leaf Wearables ở Ấn Độ cũng sản xuất dây chuyền đeo cổ Safer kết nối với một ứng dụng di động. Thiết bị này vừa là một phụ kiện làm đẹp vừa đóng vai trò như nút báo động khẩn cấp khi người đeo nó gặp nguy hiểm.

Tương tự, nhẫn thông minh Nimb của Công ty Nimb, Nga, cũng tích hợp một nút báo động khẩn cấp để gửi cảnh báo và vị trí của chủ nhân đến danh sách số điện thoại được chọn sẵn. Thông tin cảnh báo đồng thời cũng được chuyển đến các dịch vụ khẩn cấp.

Chiếc nhẫn Nimb còn có chức năng ghi âm giọng nói để thu thập bằng chứng thông qua điện thoại người dùng khi lời cầu cứu được kích hoạt. Một khi lời cấp báo được gửi đi, những người liên hệ của bạn được thông báo theo nhiều dạng như tin nhắn, thông báo, rung, gọi điện, email. Người đang đeo Nimb sẽ nhận thấy chiếc nhẫn của họ rung lên và biết rằng có bạn bè, người thân đang gặp nguy hiểm. Nếu bạn thêm số điện thoại cảnh sát vào, lời cầu cứu sẽ được chuyển cho họ với đầy đủ dữ liệu tên, giới tính và vị trí của người gửi. Giá một chiếc nhẫn Nimb khoảng 1,8 triệu đồng.

Ông Kathy Roma, người sáng lập của Nimb cho biết chiếc nhẫn được thiết kế có một tính năng xóa lời cảnh báo trong vòng 20 giây nếu vô tình nhấn nhầm. Để xóa, người dùng cần nhập mật khẩu, vì thế không phải ai cũng thực hiện được.

"Trong trường hợp kẻ tấn công uy hiếp ép phải xóa, bạn có thể dùng mật khẩu đặc biệt để đưa ra lệnh "tôi bị ép xóa". Những người nhận được tin nhắn này sẽ ngay lập tức biết bạn đang trong tình huống như thế nào”, Roma nói.


Những người đeo chung thiết bị này sẽ nhận thấy nhẫn của họ rung lên báo động người thân, bạn bè đang gặp nguy hiểm. (Ảnh: DN).

Ở phân khúc cao cấp hơn, Công ty Occly, Mỹ, sản xuất một thiết bị đeo an ninh có tên gọi Blinc. Sản phẩm này trang bị một nút báo động, 4 camera nhỏ ghi lại bằng chứng một vụ tấn công, từ đó kích hoạt chuông báo động và đèn nháy.

Các thiết bị đeo thông minh khác bao gồm nút báo động có kết nối với ứng dụng di động, giúp người dùng thông báo cho người thân và bạn bè biết họ đã về đến nhà an toàn. Nếu người dùng bấm ba lần, tín hiệu cảnh báo giúp đỡ sẽ được đến danh sách năm số điện thoại của người thân đã được chọn trước.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ ba phụ nữ trên thế giới thì có một từng trải qua một hình thức tấn công nào đó dù là tấn công vũ lực hay tình dục. Gần 40% số vụ nạn nhân có liên quan đến người tình hoặc người chồng của họ.

Nhà phân tích Rishi Kaul cho biết, các thiết bị đeo an toàn dành cho phụ nữ chiếm khoảng 3,5% thị phần thiết bị đeo toàn cầu. Tuy nhiên, các thiết bị này vẫn được ít người quan tâm. Hiện nay, nhiều ứng dụng di động có các tính năng tương tự, trong đó có một số ứng dụng có thể kích hoạt bằng cách la lên hoặc lắc mạnh điện thoại.

Cập nhật: 31/08/2018 Theo VNE
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video