Để trở thành món khó xơi đối với kẻ săn mồi, dế áo giáp có tuyệt chiêu phun máu ra ngoài và nôn thức ăn khỏi miệng mỗi khi bị tóm nhằm khiến kẻ thù phải ghê sợ.
Một số loài côn trùng - như bọ cánh cứng và châu chấu voi – luôn chủ động phun máu ra ngoài cơ thể khi bị tấn công, song trong nhiều thập kỷ qua giới khoa học chưa hiểu rõ lợi ích của hành vi này.
Hai nhà côn trùng học Bill Bateman (Đại học Pretoria tại Nam Phi) và Trish Fleming (Đại học Murdoch Australia) quyết định giải mã bí ẩn bằng cách theo dõi loài dế áo giáp (Acanthoplus discoidalis). Đây là loài côn trùng không biết bay sống ở các vùng đồng cỏ tại Namibia, Botswana và Nam Phi. Chúng có thân hình tương đối lớn (dài tối đa 5 cm), cặp hàm khỏe và một tấm sừng lớn ở sau đầu. Chân, lưng và tấm sừng của dế áo giáp có nhiều gai nhọn. Những con đực có thể phát ra âm thanh inh tai bằng cách chà xát các bộ phận cơ thể.
Côn trùng luôn tận dụng mọi đặc điểm trên cơ thể để đối phó với những loài săn mồi (chẳng hạn như thằn lằn, chim). Tuy nhiên, dế áo giáp có hai thủ thuật vô cùng kỳ lạ để thoát hiểm. Thứ nhất, khi gặp kẻ thù, chúng phun ra miệng những thứ mà chúng vừa ăn. Thứ hai, chúng bơm máu ra ngoài cơ thể thông qua những lỗ hổng trên lưng (ngay phía sau đầu) và dưới chân.
Một con dế áo giáp. (Ảnh: Bill Bateman) |
Khi Bateman và Fleming tóm dế bằng tay hoặc nhíp, chúng phản ứng khác nhau tùy theo tình huống. Nếu bị tóm từ hai bên, dế kêu inh ỏi và tìm cách cắn kẻ tấn công. Sau đó chúng phun máu qua những lỗ hổng trên cơ thể. Nếu bị tấn công từ phía trên (hướng mà chúng không thể cắn), dế sẽ phun máu ngay từ đầu. Đôi khi máu của chúng phun thành tia cao tới 6 cm.
“Máu của dế áo giáp có màu xanh lục nhạt và có mùi hăng. Nó giống như vị của thuốc lá trên ngón tay”, Bateman cho biết.
Hai nhà nghiên cứu tiếp tục kiểm phản ứng của dế áo giáp khi nhìn thấy thằn lằn. Khi họ đặt một con dế đực trong lồng cùng 4 thằn lằn, một kẻ săn mồi lao về phía dế. Ngay lập tức dế phun máu ra ngoài cơ thể, buộc thằn lằn phải nhà con mồi và lau sạch hàm. Con thằn lằn thứ hai cũng ngoạm dế và điều tương tự lại xảy ra. Con thằn lằn thứ ba tiến về phía dế nhưng không tấn công.
Bateman thử tác dụng của máu và những thức ăn mà dế nôn ra bằng cách phết sơn giống màu máu và thức ăn lên cơ thể vài con. Sau đó ông đặt dế vào lồng có thằn lằn. Kết quả cho thấy thằn lằn xơi tái tất cả những con dế “sạch”, song chúng bỏ qua những con được phết màu xanh lục nhạt (màu của máu). Tuy nhiên, không phải tất cả dế được sơn màu thức ăn đều thoát chết. Điều này chứng tỏ máu của dế đáng sợ hơn thức ăn mà chúng nôn ra.
Cơ chế phòng vệ phức tạp của dế khiến Bateman ngạc nhiên. Chẳng hạn, chúng có thể điều chỉnh hướng của tia máu sao cho máu có thể bắn vào kẻ thù. Những con dế cái (không có khả năng phát ra tiếng kêu ầm ĩ), thường xuyên phun máu, cắn và nôn thức ăn hơn con đực.