Tiến sĩ Pamela Ewan tại đại học Cambridge vừa công bố nghiên cứu về phương pháp điều trị mới cho trẻ em mắc chứng dị ứng với đậu phộng. Sau quá trình điều trị thử nghiệm, trẻ em có thể ăn được lượng đậu phộng nhiều hơn mà không có biểu hiện dị ứng. Nghiên cứu trên mở ra hy vọng mới giúp cải thiện cuộc sống cho nhiều trẻ em mắc bệnh và không còn khó khăn khi chọn thực phẩm.
Nhiều trẻ em bị mắc chứng dị ứng với đậu phộng đã được thử nghiệm thành công. Sau liệu pháp điều trị, những đứa trẻ được cho ăn một lượng đậu phộng tăng dần tới mức bình thường nhưng vẫn không bộc phát dị ứng. Sau quá trình điều trị kéo dài 6 tháng liên tục, hơn 80% những đứa trẻ tham gia thử nghiệm đã có thể ăn được trung bình 5 hạt đậu phộng mỗi ngày, gấp 25 số lượng protein đậu phộng so với ngưỡng dị ứng trước đó.
Phương pháp của tiến sĩ Pamela Ewan được gọi là "liệu pháp miễn dịch" đang được áp dụng thành công để điều trị chứng dị ứng với phấn hoa và nọc độc của ong bắp cày. Nghiên cứu được thực hiện trên 99 trẻ em có độ tuổi từ 7 đến 16 và có các mức độ khác nhau của chứng dị ứng với đậu phộng. Trong suốt 26 tuần, một nửa những đứa trẻ được cho tăng dần lượng protein trong đậu phộng lên đến 800mg mỗi ngày. Nửa còn lại dùng mọi biện pháp để tránh xa đậu phộng mà không trải qua điều trị.
Có khoảng 20% những đứa trẻ phải chịu những tác dụng phụ chủ yếu là ho nhẹ và ngứa họng. Sau 6 tháng điều trị, hơn 62% đứa trẻ đã có thể ăn được 10 hạt đậu phộng mỗi ngày mà không có triệu chứng dị ứng. Trong khi đó, những đứa trẻ không trải qua điều trị không thể chịu đựng được bất cứ một lượng protein đậu phộng nào. Tiến sĩ Clark cho biết: "Những đứa trẻ có thể tăng liều dùng đậu phộng chứng tỏ hệ thống miễn dịch của cơ thể đã bắt đầu thay đổi. Sức chịu đựng đối với đậu phộng đã trở nên mạnh mẽ hơn".
Chuyên gia nghiên cứu dị ứng ở trẻ em tại Bệnh viện đại học Cambridge, Tiến sĩ Andrew Clark cho biết: "Chúng tôi nhận thấy nhóm bệnh nhân được điều đã có những cải tiến đáng kể về chất lượng cuộc sống". Tiến sĩ Clark cho biết những người tham gia thử nghiệm điều trị đã không cần phải nghiên cứu kỹ nhãn mác của thực phẩm hoặc hỏi về thanh phần những món ăn trong nhà hàng nữa.
Tiến sĩ Matthew Greenhawt, trung tâm dị ứng thực phẩm, đại học Michigan cho biết: "Đây là một nghiên cứu đột phá và đã nhận được những kết quả đáng hy vọng. Nghiên cứu trên đã có nhiều người tham gia hơn các nghiên cứu trước đây và cũng cho thấy ít tác dụng phụ đối với trẻ em hơn. Tuy nhiên, đây vẫn còn là giai đoạn đầu của một phương pháp điều trị trước khi áp dụng lâm sàng. Nghiên cứu phải được trải qua các thẩm định và xác nhận trong thời gian dài hơn để có thể hiểu được tác động sinh lý đối với cơ thể người".
Từ 0,5 đến 1,4% trẻ em tại các nước có thu nhập cao chịu ảnh hưởng bởi chứng dị ứng với đậu phộng. Đây là nguyên nhân gây ra triệu chứng sốc dị ứng nặng và tử vong có liên quan đến thực phẩm. Cho đến nay, cách duy nhất để giải quyết vấn đề là không ăn những thức ăn có thành phần đậu phộng.