Phương pháp đang được các nhà khoa học Phần Lan phát triển giúp nhận diện sớm các dấu hiệu tinh vi có thể dẫn đến đột tử do tim (SCD).
Theo Science Alert, mỗi năm, hàng triệu người trên thế giới tử vong vì đột tử do tim, tức những cái chết bất ngờ do tim đột ngột ngừng đập. Thế nhưng, các dấu hiệu sớm của bệnh tim lại rất khó phát hiện.
Vì vậy, các nhà nghiên cứu từ Đại học Tampere (Phần Lan) đã tạo ra một thuật toán mới sử dụng một số liệu cụ thể gọi là phân tích biến động phi xu hướng (DFA2 α1) nhằm dự đoán và ngăn chặn những cái chết đột ngột này.
Các vấn đề về tim là một nguyên nhân gây đột tử phổ biến - (Ảnh AI: Anh Thư).
2.794 người trưởng thành đã được theo dõi thông qua thiết bị đo cá nhân, ghi lại những biến đổi tinh vi của nhịp tim khi họ nghỉ ngơi cũng như hoạt động - bao gồm hoạt động gắng sức.
Kết quả cho thấy DFA2 α1 là yếu tố mạnh mẽ và độc lập để dự đoán đột tử do tim.
Theo bài công bố trên tạp chí JACC: Clinical Electrophysiology, sau thời gian theo dõi trung bình là 8,3 năm, trị số DFA2 α1 chỉ cần nhỏ hơn 1 đơn vị cũng làm nguy cơ đột tử do tim tăng gấp 2,4 lần so với người bình thường.
Ngoài ra, trái với dự đoán ban đầu, các tín hiệu dự báo nguy cơ mạnh mẽ nhất là khi cơ thể nghỉ ngơi, thay vì lúc tham gia vào hoạt động thể chất.
"Đặc điểm nhịp tim của bệnh nhân có nguy cơ cao khi nghỉ ngơi giống với nhịp tim của người khỏe mạnh khi gắng sức" - đồng tác giả Teemu Pukkila cho biết.
Thuật toán mới này dự đoán chính xác hơn đáng kể so với các phương pháp hiện tại.
Bên cạnh đó, điểm thú vị nhất của nghiên cứu là thiết bị để theo dõi và đánh giá đặc điểm nhịp tim mà các tình nguyện viên được cung cấp ban đầu có thể dễ dàng tích hợp vào đồng hồ thông minh.
Dự đoán nguy cơ đột tử hay các biến cố nghiêm trọng khác không đồng nghĩa với việc đưa ra một "án tử" treo trước mắt.
Trong bệnh tim mạch cũng như nhiều căn bệnh khác, việc nhận diện sớm nguy cơ tạo điều kiện cho bệnh nhân có thời gian chuẩn bị, điều trị các vấn đề liên quan, thay đổi lối sống... để có thể tránh được mối nguy hiểm được dự báo đó.