Đột tử và đột quỵ khác nhau thế nào mà nhiều người bị nhầm lẫn?

  •   53
  • 2.593

Nhiều người thường tưởng rằng đột tử và đột quỵ giống nhau nhưng thực tế thì đây là hai hiện tượng tách biệt, khác nhau về bản chất dù hậu quả để lại đều rất nguy hiểm.

Phân biệt đột tử và đột quỵ

Đột tử là hiện tượng một người đang khỏe mạnh bình thường bỗng nhiên tử vong mà không cứu chữa được. Nó có thể xảy ra khi nạn nhân đang ngủ hoặc làm việc bình thường. Nguyên nhân của điều này có rất nhiều nhưng đa phần liên quan đến việc con người bị rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, tắc nghẽn mạch máu tim hoặc một số bệnh tim nguy hiểm.

Đột tử thường gặp ở lứa tuổi trung niên, có tên gọi là hội chứng đột tử ở người trưởng thành và nạn nhân sẽ không biết được cho đến khi nó xuất hiện đột ngột. Do con người thường tử vong rất nhanh, đột ngột và âm thần nên nhân viên y tế có thể sẽ nhầm lẫn về nguyên nhân qua đời.


Đột tử thường xảy ra rất nhanh, người bệnh tử vong âm thần và đột ngột.

Hội chứng này cũng có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh và người trẻ tuổi. Theo thống kê, có ít nhất 4% người mắc bệnh không sở hữu bất thường về cấu trúc tim. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cho rằng hầu hết các trường hợp đột tử là do nạn nhân có trái tim không khỏe mạnh nhưng không được phát hiện.

Trong khi đó, đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não là tình trạng não bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cung cấp máu lên não bị giảm, gián đoạn. Điều này khiến não thiếu oxi, dưỡng chất để nuôi dưỡng tế bào. Người bị đột quỵ thường có liên quan đến các bệnh tim mạch, mỡ máu cao hoặc vỡ mạch máu trong não, cao huyết áp không được điều trị đầy đủ.

Đột quỵ có 2 dạng là đột quỵ do thiếu máu não và đột quỵ xuất huyết não. Đột quỵ do thiếu máu não xảy ra khi có một cục máu đông chặn dòng máu đến não. Đột quỵ do huyết huyết não xảy ra khi một mạch máu bị vỡ hoặc rò rỉ. Tuy nhiên, cả 2 loại đột quỵ trên đều có chung đặc điểm là mất máu đến một phần não của cơ thể.

Nguyên nhân đột tử và đột quỵ

Đột tử xảy ra đa phần có liên quan đến một trái tim không khỏe mạnh. Trái tim có vai trò rất quan trọng, bơm máu và chất dinh dưỡng nuôi sống cơ thể. Khi chức năng của tim bị tắc nghẽn hoặc loạn nhịp thì người bệnh sẽ không thể có một cuộc sống bình thường. Đồng thời, khi mắc bệnh mạch vành tim hoặc rối loạn nhịp tim thì con người có nguy cơ cao bị đột tử.

Trong đó, bệnh mạch vành xảy ra khi các mảng xơ vữa tích tụ trong lòng động mạch gây tắc nghẽn, khiến lưu lượng máu đến tim bị giảm và máu không thể đến để nuôi dưỡng trái tim. Rối loạn nhịp tim  xảy ra khi các xung động tạo nhịp tim hoạt động không bình thường khiến nó đập quá nhanh hoặc quá chậm. Nếu người bệnh không để ý đến 2 bệnh lý này và không chăm sóc trái tim một cách chu đáo thì việc bị đột tử rất dễ xảy ra.

Đột quỵ xảy ra khi não bị tổn thương khi dòng máu cung cấp bị gián đoạn hoặc có một mạch máu bị vỡ. Nguyên nhân của chứng bệnh này có liên quan mật thiết việc nạn nhân sở hữu hàm lượng Cholesterol cao trong máu. Cholesterol tích tụ trên các thành động mạch và dẫn đến tắc những mạch này. Đồng thời, cao huyết áp cũng là nguyên nhân hàng đầu của đột quỵ bởi nó có thể làm tăng hoạt động đông máu, dẫn đến sự hình thành cục máu đông. Ngoài ra, việc hút thuốc, tuổi cao, tiền sử đái tháo đường, bệnh tim mạch... cũng có thể là nguyên nhân dẫn việc đột quỵ.


Đột quỵ xảy ra khi não bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cung cấp máu đến cơ quan này gặp vấn đề.

Dấu hiệu và cách phòng tránh của đột tử và đột quỵ

Đột tử thường diễn ra rất nhanh và bất ngờ. Tuy nhiên, trước khi tim ngừng đập thì nạn nhân sẽ có các dấu hiệu cảnh báo sau: đau ngực, mất ý thức, khó thở, chóng mặt, tim đập nhanh, ngất xỉu...

Theo các chuyên gia, chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh đột tử bằng cách thường xuyên đi khám bệnh để phát hiện bệnh lý về tim. Đồng thời, việc tập thể dục thường xuyên cũng rất tốt trong việc giảm thiểu nguy cơ bị hội chứng này. Chúng ta cũng không nên hút thuốc lá, uống rượu bia, ăn uống khoa học để tránh thừa cân nhằm giúp bản thân nói chung và trái tim nói riêng được khỏe mạnh. Với những bệnh nhân bị đái tháo đường, cao huyết áp, mỡ máu, các loại u bướu cần chú ý đặc biệt đến những căn bệnh này, điều trị tốt, uống thuốc đầy đủ.

Trong khi đó, trước khi bị đột quỵ, người bệnh thường đột nhiên cảm thấy không còn sức lực, mệt mỏi, cử động khó, phát âm khó, hoa mắt, chóng mặt, giảm thị lực, mắt mờ, đau đầu dữ dội...

Để phòng tránh đột quỵ, người bệnh cần kiểm soát và điều trị bệnh lý liên quan như tiểu đường, mỡ máu, cao huyết áp... Đồng thời, mỗi người cũng nên có chế đột ăn uống lành mạnh, hạn chế ăn đồ đóng hộp hoặc chế biến sẵn, không ăn nhiều trứng, thực phẩm nhiều cholesterol, hạn chế ăn thịt đỏ, bỏ rượu bia, thuốc lá để ngăn quá trình xơ vữa động mạch. Việc thay đổi lối sống, giảm stress, tập thể dục thường xuyên và khám sức khỏe định kỳ cũng đã được chứng minh có thể phòng tránh đột quỵ hiệu quả.

Cập nhật: 01/01/2021 Theo vnreview
  • 53
  • 2.593