Phương pháp trồng cây mướp Nhật

Hiện nay trên thị trường xuất hiện một loại quả mà nhiều người gọi là mướp Nhật bán rất được giá. Mướp Nhật thực ra là một loại bầu (Lagenaria vulgaris Ser.) quả dài, cây thân leo thuộc họ bầu bí (Cucurbitaceae). Nó giống quả mướp, được nhập giống từ Nhật Bản và được trồng ở nước ta từ rất nhiều năm trước nên nhiều người gọi là mướp Nhật.

Mướp Nhật - một loại bầu (Lagenaria vulgaris Ser) (Ảnh: henriettesherbal)

Tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Hoà Bình, Bắc Kạn, Yên Bái, Lạng Sơn... thỉnh thoảng thấy bà con bày bán dọc đường và gọi là quả chút chít với giá khoảng 6-7 ngàn đồng/kg. Loại quả này cũng thấy trồng nhiều trong các vườn nhà ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng để làm rau ăn và bán cho các nhà hàng, khách sạn làm món luộc đặc sản với giá khá cao: 10-12 ngàn đồng/kg.

Một vài đặc điểm của loại cây này: Lá, thân và các tay cuốn giống cây bầu nhưng trơn, không có lông. Dùng tay vò nhẹ lá có mùi đặc trưng của cây bầu. Hoa nhỏ, màu trắng, gồm cả hoa đực, hoa cái. Quả màu xanh có xen những sọc trắng chạy dọc theo thân quả, dài từ 15 đến 20cm, đường kính chỗ lớn nhất khoảng 3-3,5cm và thót nhọn 2 đầu, nhất là phần đuôi quả. Ruột đặc như ruột bầu, không có mạng xơ như mướp ta. Khi chín già mỗi quả có vài ba hạt giống dạng hạt bầu màu nâu hoặc đen. Quả dùng làm rau ăn lúc còn non, hạt nhỏ, vỏ mềm, tỷ lệ đường cao, có vị ngọt.

Cách trồng: Chúng tôi đã đến quan sát giàn mướp Nhật và trao đổi kinh nghiệm trồng loại mướp này với ông Cao Viết Nhẫn ở thị trấn Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội, ông cho biết: Giống mướp này dễ trồng, mọc khoẻ và rất sai quả như các giống mướp ta.

Thời vụ để trồng bầu tốt nhất là từ tháng 10 đến tháng 12 và nếu chăm sóc tốt cây sẽ cho nhiều quả, ít ruột, năng suất cao, cho thu hoạch vào tháng 4, tháng 5. Tuy nhiên, rải rác ở một số nơi cũng thấy trồng nhiều lứa quanh năm để lấy rau ăn. Cũng như các cây thuộc họ bầu bí khác mướp Nhật không chịu được đất úng ngập, hoặc đất qúa ẩm ướt, dễ bị thối rễ, thối cây do đó nên trồng ở những nơi đất cao ráo, dễ thoát nước. Vì loại bầu này ra nhiều quả và hầu như ra quả liên tục do đó nên bón nhiều phân lót, đặc biệt là phân chuồng hoai mục và thỉnh thoảng nên bón thêm phân kali. Có thể gieo liền chân mỗi hố 2-3 hạt, đến khi mọc tỉa bớt chỉ giữ lại 1 cây mọc khoẻ hoặc gieo ươm hạt trong túi bầu rồi mới trồng sang các hố đã được đào sẵn, bón phân lót từ trước.

Khi trồng cần làm giàn như giàn bầu, giàn mướp cho cây leo sẽ cho nhiều quả. Theo kinh nghiệm của nhiều người thì khi cây mướp mọc dài khoảng 2-3m lấy kéo cắt hết đầu các tay cuốn và cuộn thành các vòng nhỏ có đường kính khoảng 20cm, đặt xuống các hố được đào sẵn bên cạnh gốc và lấp đất tơi mỏng lên. Phần còn lại của ngọn mướp dài khoảng 1m bắt cho leo lên giàn. Sau một thời gian rễ ở các đốt ở phần dây chôn dưới đất bắt đầu nhú ra ta bón thêm phân chuồng hoai mục cộng thêm đạm và kali nhằm cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết cho mướp ra nhiều quả và thời gian ra quả kéo dài.

Cách để giống: Nên chọn những quả ra ở lứa thứ nhất, thứ nhì, những quả to, đều để cho chín già tới khi cây bầu tàn mới thu hái. Cách bảo quản hạt giống tốt nhất là cắt quả đem về phơi cho thật khô, sau đó đem treo vào gác bếp cất đi, đến vụ sau lấy hạt để gieo.

Theo Báo Nông nghiệp, KHKTNN
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video