Hiện đã có một phương pháp mới làm tàng hình vật thể bằng cách đặt chúng giữa 2 miếng tinh thể calcite (CaCO3).
Hệ thống mới do Viện Công nghệ Massachusetts cùng Trung tâm công nghệ và nghiên cứu liên minh Singapore – MIT (SMART) phát triển có thể làm biến mất vật thể tương đối lớn (có thể nhìn thấy bằng mắt) trong môi trường ánh sáng bình thường.
Một mẫu tinh thể calcite trong tự nhiên (ảnh: matsmineral)
Hệ thống tàng hình này được làm từ 2 miếng tinh thể calcite (khoáng carbonat, chất đa hình ổn định nhất của CaCO3) được ghép cùng nhau theo một hình thể nhất định. Calcite có tính không đẳng hưởng cao, có nghĩa là ánh sáng đến từ một mặt sẽ biến mất ở một góc khác hơn là đi qua mặt kia.
Bằng cách dùng hai mẫu calcite khác nhau, các nhà nghiên cứu có thể bẻ cong ánh sáng xung quanh một vật thể rắn được đặt giữa hai tinh thể.
Một vật thể màu hồng dường như biến mất đằng sau một tinh thể calcite trong môi trường nước được chiếu ánh sáng xanh (ảnh: George Barbastathis). |
Tuy nhiên hệ thống tàng hình mới vẫn có những hạn chế của nó, trong đó, hệ thống hoạt động tốt dưới ánh sáng xanh và chỉ có tác dụng che giấu vật thể từ một hướng nhất định. Quan sát vật thể ở hướng khác sẽ khiến nó “hiện hình” trở lại, George Barbastathis – người phát triển hệ thống tàng hình mới cho biết.
Ngoài ra, hệ thống chỉ có thể che giấy vật thể cao khoảng 2mm, tuy nhiên những mẫu tinh thể calcite lớn hơn có thể che giấu được vật thể lớn hơn.
Barbastathis tự tin rằng nhóm nghiên cứu của ông sẽ hoàn thành được hệ thống tàng hình 3 chiều thực thụ và nghĩ ra một ứng dụng cho nó. “Tôi sống ở Boston, nơi đây có nhiều con đường cùng đổ về một góc nhọn, vì vậy khi quan sát đèn giao thông, rất khó biết cần phải nhìn cột đèn nào. Với hệ thống tàng hình hiện tại, bạn có thể che giấu một số cột đèn nhất định và người lái xe không phải khó xác định nữa”.