Loại pin mới có thể cung cấp năng lượng cho smartphone trong 5 ngày hoặc cho phép xe điện chạy 1.000km chỉ với một lần sạc.
Phó giáo sư Matthew Hill, tiến sĩ Mahdokht Shaibani và giáo sư Mainak Majumder (từ trái sang phải) tham gia phát triển pin Li-S tại Đại học Monash. (Ảnh: New Atlas).
Các nhà nghiên cứu ở Đại học Monash tại Melbourne phát triển pin lithium - lưu huỳnh "hiệu quả nhất thế giới", có hiệu suất cao gấp 4 lần pin thông thường. Họ đang tìm cách thương mại hóa công nghệ này và tăng cường những lợi ích của nó trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Họ công bố nghiên cứu hôm 3/1 trên tạp chí Science Advances.
Phần lớn pin thương mại là pin lithium-ion, nhưng pin lithium - lưu huỳnh từ lâu đã thu hút nhiều sự quan tâm nhờ mật độ năng lượng cao và khả năng cung cấp điện trong thời gian lâu hơn. Tuy nhiên, pin lithium - lưu huỳnh thường có tuổi thọ khá ngắn. Loại pin này được sử dụng trên một số máy bay và xe ôtô, nhưng những nỗ lực sản xuất hàng loạt trước đây đều thất bại.
Theo các chuyên gia về pin ở Viện Faraday, việc sử dụng rộng rãi pin lithium - lưu huỳnh gặp nhiều trở ngại lớn từ tính chất cách điện của lưu huỳnh và sự xuống cấp của cực dương lithium. Các nhà nghiên cứu thay đổi thiết kế của cực âm lưu huỳnh để tăng khả năng chịu tải mà không làm giảm hiệu suất, theo giáo sư Mainak Majumder, trưởng nhóm nghiên cứu.
Nhóm nghiên cứu đã xin cấp bằng sáng chế loại pin mới và đang lên kế hoạch thử nghiệm thêm vào cuối năm nay. "Công nghệ này không chỉ đem đến hiệu suất cao và tuổi thọ lâu hơn mà còn giúp quá trình sản xuất trở nên đơn giản với chi phí thấp, giúp giảm đáng kể chất thải độc hại ra môi trường", Matthew Hill, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.