Các nhà nghiên cứu Nhật Bản vừa sáng chế ra quả cầu mà họ gọi là “vật thể bay của tương lai”, phục vụ cho các hoạt động tìm kiếm cứu nạn nhờ khả năng bay lượn trong những tòa nhà bị suy yếu bởi động đất hoặc những thảm họa tự nhiên khác.
Nhà phát minh Fumiyuki Sato trình diễn điều khiển quả cầu bay
Quả cầu có kích cỡ tương đương quả bóng rổ, được điều khiển bằng sóng vô tuyến và có thể đi đến những nơi mà con người không thể đến được. “Vì là hình cầu nên nó có thể đáp xuống nhiều vị trí khác nhau và lăn qua lăn lại khắp mặt đất”, chuyên gia Fumiyuki Sato ở Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết. Quả cầu này được làm từ sợi các-bon siêu nhẹ và chất styrene, nên trọng lượng chỉ có 340g. Nó có thể bay trong 8 phút với vận tốc tối đa lên tới 60 km/h. Trong khi hoạt động, nếu bộ pin lithium hết năng lượng, quả cầu sẽ lăn dưới đất cho đến khi dừng hẳn, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ hư hỏng.
Các cuộc thử nghiệm cho thấy sản phẩm nguyên mẫu bay vụt trong không trung, lướt nhẹ qua các ngóc ngách và bay dọc theo các cầu thang. Ông Sato cho biết chi phí chế tạo quả cầu bay khoảng 110.000 yen (khoảng 28 triệu đồng) với linh kiện chủ yếu mua ở các cửa hàng điện tử.