navigation

Ra mắt phim về Oppenheimer - cha đẻ của bom nguyên tử

Oppenheimer đang là bom tấn được mong chờ nhất mùa hè này khi đánh dấu sự trở lại sau 3 năm của "Midas của Hollywood" Christopher Nolan. Bộ phim thu hút sự chú ý với quy mô đầu tư "khủng", khắc họa câu chuyện mang tính lịch sử về cha đẻ bom hạt nhân và hội tụ dàn diễn viên gạo cội.

Phim về nhân vật có ảnh hưởng lớn đến lịch sử


Oppenheimer là bộ phim được đầu tư với quy mô "khủng", kinh phí thực hiện được cho là lên đến 100 triệu USD.

Oppenheimer là dự án mới nhất và cũng có thể được xem là tham vọng nhất của "quái kiệt điện ảnh" Christopher Nolan. Phim chuyển thể từ quyển sách đoạt giải Pulitzer American Prometheus: The Triumph and Tragedy of J.Robert Oppenheimer của các tác giả Martin Sherwin và Kai Bird. Thuộc dòng chính kịch - chiến tranh - tiểu sử, Oppenheimer khắc họa quãng sự nghiệp vẻ vang nhưng nhiều thăng trầm của nhà khoa học người Mỹ J. Robert Oppenheimer khi ông thành công chế tạo ra bom nguyên tử - thứ vũ khí chết chóc định hình trật tự thế giới trong cuộc Thế chiến thứ hai.

Đứng trước nguy cơ nước Đức phát xít có thể chế tạo thành công bom nguyên tử, góp phần giúp Hitler giành thắng lợi mang tính quyết định trong Thế chiến thứ hai, ngay từ giữa năm 1942, Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt đã cho thành lập Dự án Manhattan, với nguồn kinh phí khổng lồ vào thời điểm ấy là 2 tỉ USD để nghiên cứu và chế tạo thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt đáng sợ nhất. Và người được bổ nhiệm đứng đầu Dự án Manhattan là giáo sư vật lý Mỹ J. Robert Oppenheimer.


Nhà vật lý học Oppenheimer (trái) và người thủ vai ông trong phim - tài tử Cillian Murphy


Oppenheimer dự sẽ mở ra nhiều góc nhìn thú vị về cuộc đời, sự nghiệp của cha đẻ bom nguyên tử

Sự ra đời của bom nguyên tử có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ tiến trình lịch sử nhân loại. Cha đẻ của nó - nhà vật lý Oppenheimer là thiên tài nhưng cũng bị xem như thần chết, một kẻ tội đồ do đã phát minh ra thứ vũ khí có khả năng giết chóc kinh hoàng chưa từng thấy. Chính bản thân ông cũng từng sống trong dày vò và đau khổ khôn nguôi khi chứng kiến hậu quả tang thương do sản phẩm của mình để lại, tự gọi bản thân mình là "kẻ hủy diệt thế giới". Phục vụ tổ quốc, thỏa mãn đam mê tri thức hay tiếp tay cho tội ác? Oppenheimer sẽ gợi mở cho khán giả những góc nhìn lý thú về cuộc đời, tâm tư của một trong những nhân vật nổi tiếng nhất thế kỷ 20.

Oppenheimer là ai?

Người sáng tạo ra bom nguyên tử là nhà khoa học Julius Robert Oppenheimer (1904 - 1967). Ông là người đứng đầu dự án Manhattan - dự án nghiên cứu và chế tạo bom nguyên tử của Mỹ năm 1942.

Chào đời ở thành phố New York năm 1904, Julius Robert Oppenheimer là con trai của một người nhập cư Đức gốc Do Thái trở nên giàu có nhờ buôn vải vóc nhập khẩu. Ông tốt nghiệp loại xuất sắc Đại học Harvard chỉ sau 3 năm học, sau đó nghiên cứu vật lý lý thuyết ở cả Đại học Cambridge, Anh và Đại học Göttingen, Đức, nơi ông lấy bằng tiến sĩ ở tuổi 23.

Nhà vật lý trẻ tuổi nhanh chóng thân thiết với những nhà khoa học vĩ đại nhất thời đó. Công trình học thuật của ông thúc đẩy lý thuyết lượng tử và dự đoán mọi thứ từ neutron tới hố đen. Ông còn là người ham học hỏi ngoài các lĩnh vực khoa học, như học tiếng Phạn hay nghiên cứu tôn giáo.

Sau khi Mỹ gia nhập quân Đồng minh năm 1941, Oppenheimer được mời tham gia dự án tuyệt mật Manhattan nhằm phát triển vũ khí hạt nhân. Trong khi nhà nghiên cứu nỗ lực tìm hiểu những gì cần thiết để kích hoạt và duy trì phản ứng chuỗi neutron để tạo ra vụ nổ hạt nhân, cấp trên của Oppenheimer vô cùng ấn tượng với vốn kiến thức rộng, tham vọng, khả năng làm việc và truyền cảm hứng cho những nhà khoa học khác của ông. Năm 1942, quân đội Mỹ bổ nhiệm Oppenheimer làm người đứng đầu phòng thí nghiệm bí mật thử nghiệm bom.

Trong lúc nhà chức trách quân đội tìm kiếm địa điểm phù hợp cho phòng thí nghiệm, Oppenheimer đề xuất vị trí trường Los Alamos Ranch, trường học tư thục cho nam sinh gần Santa Fe. Không lâu sau, ông chỉ đạo hàng trăm, rồi hàng nghìn nhân viên ở Phòng thí nghiệm Los Alamos.

Oppenheimer không chỉ tập hợp đội ngũ những bộ óc xuất sắc nhất ở thời đại đó, ông còn truyền cảm hứng, thúc đẩy, tổ chức và khích lệ họ thể hiện năng lực. Ngày 16/7/1945, Oppenheimer và cộng sự tập trung tại bãi thử nghiệm Trinity ở phía nam Los Alamos cho vụ nổ hạt nhân đầu tiên trên thế giới. Đó là thời khắc vô cùng căng thẳng. Các nhà khoa học biết rõ quả bom có biệt danh "Gadget" sẽ định hình tương lai thế giới. Nhưng họ cũng tin chắc nó có thể kết thúc Thế chiến II. Dù chiến tranh ở châu Âu đã kết thúc, nhà chức trách Mỹ lo sợ giai đoạn đẫm máu nhất của chiến tranh vẫn còn ở phía trước. Họ hy vọng có thể buộc Nhật Bản đầu hàng thay vì đe dọa sử dụng vũ khí mới. Thử nghiệm tiến hành bí mật đã thành công.

Ngày 6/8 và 9/8/1945, Mỹ lần lượt thả hai quả bom mà Oppenheimer tham gia phát triển xuống Hiroshima và Nagasaki. Ít nhất 110.000 người bị thiệt mạng trong các vụ nổ xóa sổ cả hai thành phố ở quy mô chưa từng thấy trước đây hoặc sau này. Oppenheimer từng tham gia hội đồng khoa học khuyến nghị Bộ Chiến tranh triển khai thả bom xuống Nhật Bản sớm hết mức có thể. Các cuộc tranh cãi vẫn tiếp diễn về việc liệu chính phủ có nghe theo thỉnh cầu của những nhà khoa học để chỉ thả bom nhằm vào mục tiêu quân sự, hay thậm chí thử nghiệm công khai trước nỗ lực buộc Nhật Bản đầu hàng.

Đêm trước vụ thả bom Hiroshima, Oppenheimer được cổ vũ bởi đám đông các nhà khoa học cộng sự tại Los Alamos, và tuyên bố niềm hối tiếc duy nhất của ông là không kịp hoàn thành quả bom để chống lại quân đội Đức. Nhưng dù rất phấn khởi với thành tựu, các nhà khoa học vẫn kinh hãi bởi thiệt hại về sinh mạng trong vụ tấn công, lo sợ vũ khí hạt nhân có thể dấy lên thay vì ngăn cản chiến tranh trong tương lai. Vài tuần sau vụ thả bom, Oppenheimer viết một lá thư cho Bộ trưởng Bộ Chiến tranh để cảnh báo "sự an toàn của quốc gia này không thể nằm hoàn toàn hoặc chủ yếu ở sức mạnh khoa học hoặc công nghệ. Nó chỉ có thể dựa trên khiến các cuộc chiến tranh tương lai trở nên bất khả thi".

Nhưng Oppenheimer cũng bênh vực dự án Manhattan và quả bom mà ông được giao chế tạo và cho rằng đó là điều cần thiết để hiểu rõ những khả năng của khoa học hạt nhân. Tuy nhiên, Oppenheimer dành phần lớn cuộc đời để kêu gọi ngăn chặn vũ khí hạt nhân, phản đối Mỹ phát triển bom nhiệt hạch mạnh hơn. Theo ông, Mỹ nên cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật và theo đuổi những ứng dụng khác của công nghệ hạt nhân như sản xuất năng lượng.

Oppenheimer không bao giờ quay lại làm việc cho chính phủ, thay vào đó ông thành lập Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Thế giới, tham gia giảng dạy khoa học cho tới khi qua đời năm 1967.

Cập nhật: 11/07/2023 Thanh Niên/VNE