Rạn san hô Great Barrier ở Australia, rạn san hô lớn nhất thế giới, đã bước vào mùa sinh sản năm 2019.
Theo nhà nghiên cứu sinh vật biển Pablo Cogollos thuộc hãng điều hành tour du lịch Sunlover Reef Cruises, đã có dấu hiệu tích cực đối với hệ sinh thái tại Great Barrier trong đêm đầu tiên của mùa sinh sản san hô.
San hô tại Rạn san hô Great Barrier, Australia.
Theo dõi 4 đêm san hô sinh sản sau tuần trăng tròn tại rạn san hô này, nhà nghiên cứu Cogollos cho biết lượng trứng và tinh trùng xuất hiện nhiều gấp 3 lần so với mùa sinh sản năm ngoái. Ông Cogollos cho rằng điều này báo hiệu đây sẽ là mùa sinh sản lớn nhất ở rạn san hô này trong 5 năm trở lại đây.
Sinh sản của san hô là một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú, được ví như pháo hoa hoặc bão tuyết trong lòng biển. Hiện tượng này chỉ diễn ra mỗi năm một lần trong các điều kiện đặc trưng, đó là sau tuần trăng tròn và nhiệt độ nước biển khoảng 27 - 28 độ C.
Quá trình sinh sản này diễn ra từ 48 - 72 giờ đồng hồ khi san hô phóng hàng tỷ hạt giao tử màu hồng vào nước. Mỗi hạt giao tử này bao gồm cả trứng lần tinh trùng. Sau thời gian trôi nổi trên mặt biển, trứng và tinh trùng phát triển thành ấu trùng và dần trở thành sinh vật đơn bào dạng ống (polyp) hoặc liên kết thành các cụm san hô non rồi mới chìm xuống đáy biển tìm nơi trú ngụ.
Với chiều dài lên tới 2.300km, rạn san hô Great Barrier tại Australia trong nhiều năm qua đứng trước nguy cơ bị xóa sổ do tình trạng biến đổi khí hậu dẫn tới nhiệt độ nước biến tăng, khiến nhiều phần của rạn hô lớn nhất thế giới này bị tẩy trắng.
Năm 2018, các nhà khoa học Australia đã thực hiện dự án cấy ghép san hô nhằm cứu hệ sinh thái đang bị đe dọa. Theo đó, các nhà khoa học đã thu thập trứng và tinh trùng san hô, sau đó nuôi cấy thành ấu trùng trong phòng thí nghiệm và cấy vào các khu rạn san hô đã bị hủy hoại để phục hồi các khu san hô này.