Một nghiên cứu mới đây của giáo sư Ove Hoegh-Guldberg thuộc Đại học Queensland cho thấy nhiệt độ nước biển ngày càng tăng là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới nguy cơ xóa sổ rạn san hô lớn nhất thế giới Great Barrier Reef ở phía Đông Bắc Australia.
>>> Australia nỗ lực bảo vệ rạn san hô lớn nhất thế giới
Giáo sư Ove cho rằng để có thể tồn tại, rạn san hô này phải di chuyển tới vị trí cách chỗ hiện tại 4.000km về phía Nam trong vòng 100 năm nữa. Địa điểm này có thể giúp rạn san hô tránh được ảnh hưởng từ dự báo nhiệt độ nước biển sẽ tăng thêm 4 độ C vào năm 2100.
Rạn san hô lớn nhất thế giới Great Barrier Reef. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Các khu vực di sản thiên nhiên như Great Barrier Reef không đủ khả năng chống chọi lại những tác động do nhiệt độ tăng lên gây ra.
Trong trường hợp rạn san hô dài gần 2.300km này bị xóa sổ, ngành du lịch trị giá 6 tỷ AUD tại khu vực này của Australia sẽ không còn tồn tại và nhiều ngành khác như đánh bắt cá cũng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.
Theo giáo sư Ove, nhiệt độ nước biển chỉ tăng 0,5 độ C trong thế kỷ 20 nhưng đến nay có xu hướng tăng mạnh hơn. Hậu quả là rạn san hô không kịp di chuyển tới vùng biển phía Nam mát mẻ hơn và cũng không thể kịp thời thích nghi với điều kiện môi trường mới.
Việc duy nhất thế giới có thể làm để ngăn chặn nguy cơ này là cắt giảm mạnh lượng khí thải carbon, nguyên nhân chính dẫn tới axít hóa nước biển và khiến nhiệt độ nước biển tăng cao.