Quá trình phát triển san hô tại dải ngầm Great Barrier Reef nổi tiếng ở Australia đang suy giảm mạnh nhất trong suốt 4 thế kỷ qua, đe dọa đến hệ sinh thái và các loài sinh vật biển khác.
|
Một khối san hô hàng trăm năm tuổi tại Great Barrier Reef. Ảnh: BBC. |
Great Barrier Reef là hệ thống san hô ngầm lớn nhất trên thế giới gồm hơn 2.900 dải san hô khác nhau và 900 hòn đảo, trải dài 2.600 km trên khu vực có diện tích 344.000 km vuông. Hệ thống này nằm tại biển Coral Sea, ngoài khơi bang Queensland và có thể quan sát được từ vũ trụ.
Tiến sĩ Glenn De'ath và các cộng sự thuộc Viện Hải dương học Australia đã điều tra 328 cụm san hô Porites khổng lồ tại 69 địa điểm khác nhau tại Great Barrier Reef. Những khối san hô này đều có tuổi đời vài trăm năm. Thông qua nghiên cứu bộ xương san hô họ phát hiện quá trình vôi hóa đã giảm 13,3% kể từ năm 1990.
|
San hô Porite là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật biển. Ảnh: BBC. |
Sự suy giảm này được xác định là chưa từng có trong 400 năm qua. Theo các nhà khoa học, tình trạng ấm lên toàn cầu và tăng độ axit trong nước biển là nguyên nhân của tình trạng trên. Việc suy giảm phát triển này đe dọa các loài sống trong hệ thống dải san hô, vốn là trung tâm của việc hình thành hệ sinh thái và nguồn cung cấp thức ăn cho hàng chục nghìn loài sinh vật biển khác.