Các nhà khoa học đại dương thuộc Trường ĐH Delaware (Mỹ) vừa đưa vào sử dụng robot DOERRI - robot thăm dò đáy biển loại mới có thể giúp khám phá những bí mật địa chất học của vùng biển Đen và lịch sử vùng biển này...
Dài 2,1 m và nặng 108 kg, robot DOERRI sẽ vẽ bản đồ đáy biển của vùng Biển đen ngoài khơi Sevastopol, Ukraine, mỗi ngày 14 giờ liên tục ở độ sâu 200 m.
DOERRI được trang bị một hệ thống cảm biến phức tạp bao gồm hệ thống đo độ mặn của nước biển, nhiệt độ và nồng độ oxy; hai hệ thống đo khoảng cách bằng âm thanh SONAR (sound navigation ranging) để vẽ bản đồ đáy biển. Ngoài ra còn có hệ thống an toàn đặt trên tàu nhằm đảm bảo cho robot làm việc liên tục. Cuối mỗi ngày robot sẽ được đưa lên tàu bảo trì và xử lý dữ liệu.
DOERRI sẽ làm việc như các nhà khoa học thực thụ. Nó sẽ đi vào những vùng chưa từng được biết đến trước đó và cung cấp những dữ liệu mà con người khó có thể thực hiện được, giúp các nhà khoa học khám phá các tàu bị đắm từ thời xa xưa dưới đáy biển Đen. DOERRI cũng sẽ cung cấp dữ liệu cụ thể về động lực học, nồng độ oxy hòa tan trong nước, sự lan truyền sóng... để vẽ hình dáng và kết cấu nền của đáy biển.
Gần 90% biển Đen là vùng “biển chết” không oxy với chỉ một vài vi khuẩn sống được. Việc bảo tồn những gì nằm sâu dưới vùng biển này là một nhiệm vụ hết sức khó khăn đối với các nhà địa chất học hay khảo cổ học. Họ không được phép phá hủy hay chạm vào các di vật dưới đáy biển. DOERRI sẽ là trợ tá đắc lực cho họ: nó có thể lấy các thông tin và dữ liệu về các di vật từ xa, do đó không hề chạm vào hay phá hủy các di vật.
(Ảnh: Nature-science.info)
(Ảnh: Nature-science.info)
MINH ANH