Các viên thủy tinh có hình thái bất thường mới được tìm thấy ở phần phía xa của Mặt trăng hé lộ lịch sử va chạm của thiên thể.
Robot Thỏ Ngọc 2 trong ảnh chụp từ tàu Hằng Nga 4. (Ảnh: CNSA)
Theo nghiên cứu xuất bản gần đây trên tạp chí Science Bulletin, robot thăm dò Thỏ Ngọc 2 trong sứ mệnh Thường Nga 4 của Trung Quốc đã chụp được các bức ảnh mờ nhạt về hai viên thủy tinh hình cầu kỳ lạ trên bề mặt Mặt trăng bằng camera toàn cảnh của nó.
Chưa có dữ liệu thành phần nào được thu thập cho các khối cầu tí hon này, nhưng hình thái độc đáo và bối cảnh xung quanh cho thấy chúng có nguồn gốc từ một vụ va chạm thiên thạch chứ không phải từ hoạt động núi lửa trên Mặt trăng, các nhà nghiên cứu cho biết.
Nhóm sứ mệnh Thỏ Ngọc 2 đã so sánh ảnh chụp mới với các viên thủy tinh núi lửa được loạt sứ mệnh Apollo lấy mẫu trên Mặt trăng trong quá khứ và nhận thấy chúng không chỉ có kích thước nhỏ hơn mà màu sắc cũng khác biệt.
Các viên thủy tinh do robot Thỏ Ngọc 2 phát hiện (c,d) có kích thước nhỏ hơn và nhạt màu hơn so với mẫu vật thủy tinh núi lửa (a, b) do loạt sứ mệnh Apollo thu thập. (Ảnh: Xinhua)
Các nhà nghiên cứu dự đoán rằng sẽ có nhiều hạt thủy tinh hình cầu tương tự trên các cao nguyên Mặt trăng, cung cấp mục tiêu lấy mẫu đầy hứa hẹn để khám lịch sử va chạm trong thời kỳ đầu của Mặt trăng.
Tàu Thường Nga 4 và robot thăm dò Thỏ Ngọc 2 được phóng lên vào ngày 8/12/2018 và hạ cánh mềm xuống miệng núi lửa Von Karman nằm trong một miệng hố va chạm rộng lớn được gọi là lưu vực Nam Cực-Aitken ở phía xa của Mặt trăng vào ngày 3/1/2019. Đến nay, Thỏ Ngọc 2 đã đi được quãng đường hơn 1.000m.